Theo dõi trên

Đôi điều từ giáo dục gia đình

31/05/2019, 13:44

BT-  Bài “Chiếc roi trên bục giảng” đăng Bình Thuận cuối tuần số 6286 (24/5/2019), bạn đọc phản hồi có những ý kiến trái ngược nhau; có khi đi xa hơn mục đích người viết đặt ra.

                
Ảnh minh họa.

Uy nghiêm không phải là roi vọt

Chuyện “chiếc roi trên bục giảng” nhằm nói đến sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với thầy giáo, họ luôn đặt niềm tin vào người thầy, để tạo nên kỷ cương trường lớp, giáo dục con em nên người. Nhắc đến “chiếc roi”, người viết nói đến sự uy nghiêm của thầy, phải trao cho thầy có được cái quyền uy nghiêm đó trước những sai phạm của học sinh làm ảnh hưởng đến việc học, chứ thầy chưa sử dụng nó đánh vào thân thể học sinh, ngay khi người cha lấy roi ấy định đánh thằng con, thầy vẫn chận lại không cho. Ấy là chuyện dạy dỗ ngày xưa, bây giờ thì khác, nhưng đó cũng là điều cần suy nghĩ trong thực trạng hiện nay, nhiều phụ huynh hành xử chẳng ra gì với nhà trường, với giáo viên, người viết không ủng hộ kỷ luật bằng bạo lực roi vọt. Còn phương pháp giáo dục học sinh với những thành tựu khoa học sư phạm tiến bộ vì “con người” trên thế giới đã vươn xa từ rất sớm mà chúng ta vẫn chưa theo kịp.

Sai lầm khi khuôn đúc với tương lai 

Trong bài diễn văn của bà Maria Montessori(1) về giáo dục tại Văn phòng Quốc tế ở Geneva năm 1932, đã phản đối cách giáo dục áp đặt với trẻ, “ngày càng xa rời khỏi thiên nhiên”. “Cái quan niệm hời hợt cũ xưa rằng sự phát triển của cá thể là đồng nhất và tiệm tiến, vẫn không thay đổi, và ý tưởng sai lầm rằng người lớn phải khuôn đúc đứa trẻ theo hình mẫu mà xã hội mong muốn vẫn còn được duy trì. Những quan niệm sai lầm thô thiển và lỗi thời này là nguồn gốc của mối xung đột chủ yếu, hay của cả chiến tranh, giữa những con người mà lẽ ra phải thương yêu và trân quý nhau - giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò”. “Đứa trẻ không đơn thuần là người lớn tí hon”. Sự khuôn mẫu đó làm cho trẻ trở thành nô lệ, thiếu niềm tin vào bản thân, luôn chờ đợi sự dẫn dắt của người khác, không thể hiện được chính mình để tự vươn lên…(2). Tìm hiểu bài diễn văn của bà, tôi sực nhớ trước kia dạy kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, ông đưa ra tình huống vô cùng ấn tượng, khi Đế Thích muốn cho hồn Trương Ba nhập vào thân xác của thằng cu Tị vừa mới qua đời, rồi làm cho cu Tị sống lại để hồn Trương Ba được tồn tại. Đề xuất của Đế Thích mở ra một viễn cảnh làm Trương Ba kinh hoàng khi hình dung thân xác của thằng bé 10 tuổi lại mang những suy nghĩ, tâm hồn của một ông già 60 để nhởn nhơ, lạc lõng giữa đời. Một tình huống mang tính cảnh báo về giáo dục, nếu áp đặt dung nạp vào tâm hồn trẻ thơ những suy tư, cảm xúc cằn cỗi già nua là vô cùng nguy hiểm, khủng khiếp, bởi nó chống lại quy luật phát triển tự nhiên, kéo lùi phát sự triển xã hội. Chúng tôi liên tưởng điều này bởi nhận thấy có sự gặp gỡ nào đó với quan niệm giáo dục của bà Maria Montessori mà cả trăm nước trên thế giới hiện nay đang nghiên cứu vận dụng.

 Hỏng trong giáo dục từ đâu ra 

Về cách giáo dục gia đình ở nước ta hiện nay phần lớn không tuân theo sự phát triển tự nhiên của con cái về thực lực năng khiếu, sở thích vốn dĩ của chúng, mà áp đặt mong theo sự muốn chủ quan của người lớn – cha mẹ. Thậm chí còn bao bọc, che chắn, làm bệ đỡ cho chúng từ học tập đến vị trí nghề nghiệp, để chúng thụ hưởng dễ dãi, sống trong ảo tưởng, tự hào với hư danh. Nhìn lại sự gian lận mua điểm khống những kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 2018, những đứa con “bọc điều” ấy, theo bà Maria Montessori, đó là sự giáo dục tạo ra những sản phẩm nô lệ, không tự thân vận động, thui chột phát triển tư duy, phụ thuộc điều hành của kẻ khác, là mối nguy hại cho phát triển xã hội.

Sự bất công này đã tạo ra tâm lý bất bình, những nhát cắt nhói đau vào niềm tin với những học sinh chăm chỉ, tự lực trong học tập, với những thầy cô yêu nghề, tâm huyết trong giảng dạy. Nền tảng giáo dục có được vững chắc hay không đều phụ thuộc vào nền tảng giáo dục gia đình, từ những người có quyền chức đến thường dân; không lấy quyền lực để chi phối phá hỏng uy nghiêm của nhà trường. Ở Phần Lan, họ xây dựng được nền giáo dục vào tốp đầu thế giới, bởi môi trường giáo dục của họ uy nghiêm, dẫu có chương trình chung quốc gia, nhưng họ tin tưởng giáo viên trong việc toàn quyền đánh giá không chịu một áp lực nào bên ngoài can thiệp(3). Có trả lại sự uy nghiêm cho nhà trường mới mong giáo dục được ổn định để phát triển.  

    
     (1).   Maria Montessori (1870 – 1952), sinh ở Ý, người đã góp phần tạo dựng một   nền tảng thiết yếu và đích thực cho giáo dục trẻ nhằm xây dựng một thế   giới hòa bình và tiến bộ cho con người; (2). “Giáo dục và hòa bình”,   Maria Montessori, Nghiêm Phương dịch, nxb Đà Nẵng, 2018; (3). Xem “Bài   học Phần Lan 2.0” – Pasi Sahlberg, Đặng Văn Vinh dịch, Nhà xuất bản Thế   giới, 2016.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tài sản trí tuệ hỗ trợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Sở hữu trí tuệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững bằng sự đổi mới và sáng tạo là chủ đề hội nghị được Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) tổ chức trung tuần tháng tư, hưởng ứng chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024 là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới sáng tạo”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi điều từ giáo dục gia đình