Theo dõi trên

Đổi mới giáo dục:  Cần sự thống nhất, đồng bộ

17/09/2018, 08:26 - Lượt đọc: 68

BT- Thời điểm này khi các em học sinh đang trải qua những tuần đầu tiên của năm học mới, thì cũng là lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang triển khai lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Giáo dục để trình Quốc hội trong kỳ họp đến.

                
Ảnh minh họa

 5 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục nước nhà đã để lại nhiều dấu ấn tích cực và cũng không ít những âu lo. Cái tích cực nhất, được người dân và xã hội ghi nhận là “bệnh thành tích” đã giảm, phương pháp dạy học được đổi mới theo hướng lấy học sinh là trung tâm, chương trình giáo dục không còn nặng nề. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được cải tiến, giảm được thời gian, tiền bạc của học sinh và phụ huynh do trước đây phải đi lại tốn kém.

Tuy nhiên, ngành giáo dục nước nhà đã để lại nhiều vấn đề “tai tiếng” lẫn âu lo của xã hội khi mà tình trạng gian lận thi cử ở một số tỉnh ở phía Bắc bị phát hiện vừa rồi. Trong khi đó, phản ứng của Bộ rất chậm khi vấn đề được dư luận quan tâm như câu chuyện tài liệu tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, chuyện dạy học cho trẻ với các hình tam giác, hình vuông, hình tròn mà mạng xã hội lan truyền khá nhanh, làm phụ huynh hoang mang, lo lắng. Về tài liệu sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục không phải là mới, vì đã đưa vào giảng dạy từ khá lâu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính những nhà quản lý của Bộ đã khẳng định đây là tài liệu tốt đã được Hội đồng thẩm định và đưa vào giảng dạy từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Tài liệu được đưa vào dạy ở trường thực nghiệm, rồi lan ra 48 tỉnh, thành và kéo dài gần 4 thập kỷ nhưng chưa thấy tổng kết, đánh giá. Trong khi đó, dư luận đặt vấn đề một đất nước thống nhất mà tài liệu giảng dạy cho học sinh lại không thống nhất, địa phương được quyền chọn sách, tài liệu giảng dạy xem ra có vẻ không ổn. Tất nhiên một chương trình có thể sử dụng nhiều tài liệu, sách giáo khoa để học sinh được tiếp cận nhiều chiều, nhiều cách học. Song về cơ bản tất cả các em học sinh cần được học một bộ sách chung, những em có tố chất thì có thể học  thêm nếu được sự đồng ý của phụ huynh. Sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy không hề sai nhưng cách tổ chức thực hiện như hiện nay quả thực có cái gì đó bất bình thường.

Tại Bình Thuận, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình hành động số 25 của Tỉnh ủy đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành và nhân dân với phương châm: Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Việc đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, bảo đảm trung thực khách quan. Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng ngân hàng đề thi, đề kiểm tra các môn học theo ma trận từ các mức độ từ thấp đến cao. Trong đó chú trọng mức độ vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn, khi tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ được thực hiện cả 4 kỹ năng: nghe, đọc, nói, viết. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo sâu sát. Việc thành lập các Ban chỉ đạo kỳ thi và tổ chức thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, không để xảy ra sai sót hoặc gian lận. Do vậy trong 4 năm từ 2015 - 2018, kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia của Bình Thuận tăng dần theo từng năm (từ 86,73% của 2015 lên 99,36% năm 2018).

Vấn đề chống lạm thu ở các trường học đã được ngành giáo dục, tài chính phối hợp chặt chẽ bằng việc ban hành, hướng dẫn cụ thể về các khoản thu, phí, lệ phí, các khoản huy động đúng quy định hiện hành. Các trường không được phép tự đặt ra các khoản thu trái quy định và chịu trách nhiệm trước ngành và chính quyền về các khoản thu không đúng quy định. Định kỳ, thanh tra giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra các trường lạm thu, nhất là những trường có đơn thư, phản ánh để kịp thời chấn chỉnh.

5 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục ở tỉnh ta nhìn chung đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc đổi mới các khâu trong giáo dục được  tập trung thực hiện, nhất là việc quản lý chương trình, kế hoạch giáo dục theo sự phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Nhưng nhìn chung chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học chưa đồng đều giữa các vùng miền, kết quả thực hiện phổ cập giáo dục THCS thiếu vững chắc, tỷ lệ tốt nghiệp đúng độ tuổi đạt thấp. Để thực hiện tốt Nghị quyết 29, đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục tỉnh nhà có nhiều giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cần chú ý đến giáo dục nhân cách, vận dụng kỹ năng để giải quyết thực tiễn cho học sinh -sinh viên, đào tạo thế hệ trẻ nước nhà đủ sức gánh vác công việc trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.   

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới giáo dục:  Cần sự thống nhất, đồng bộ