Theo dõi trên

Đơn giản nhưng không dễ

02/08/2019, 10:31

BT- Đọc bài “Ôi sinh viên” trên Bình Thuận cuối tuần số 6321 (12/7/2019), một cô giáo tâm sự: Vì nghĩ sự nghiệp giáo dục bắt đầu từ lứa tuổi măng non, nên em mới theo đuổi ngành giáo dục mầm non; nhưng sau khi mở trường 4 năm, mới phát hiện ra em nhầm lớn; người cần giáo dục hơn là phụ huynh ạ! Ý kiến này chắc không dừng lại ở mỗi mình cô. Nhưng khi viết, chúng tôi hướng đến giáo dục kỹ năng sống, tinh thần tự lập cho trẻ từ trong gia đình.

Ảnh minh họa

 Thể hiện tình thương

Giáo dục gia đình là nền tảng để giáo dục phát triển của bất cứ quốc gia nào từ xưa đến nay, nhưng hiện tại, không ít cha mẹ đặt tình thương qua quản lý con cái chưa phù hợp với xu thế phát triển thời đại, nên thiếu niềm tin. Nhớ cách dạy con của bà Sara Imas, khi trở về Israel, bà so sánh cách giáo dục giữa bà mẹ Trung Quốc với bà mẹ Do Thái, rằng tình yêu đối với con của một số cha mẹ người Trung Quốc “giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời”; còn tình yêu đối với con của cha mẹ người Do Thái “tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được dằn sâu trong lòng, dưới biểu lộ sắt đá và cứng cỏi, họ chỉ làm một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời”. Một ví von khác, nhiều bậc phụ huynh người Trung Quốc “luôn bay lượn trên đầu con cái giống như máy bay trực thăng, bay ngày càng nhanh, quản ngày càng chặt, một khi giảm tốc độ họ sẽ phá hủy cuộc đời của con cái và của chính mình”(*). Bà đã từ bỏ lối giáo dục của một số cha mẹ người Trung Quốc để theo cách giáo dục của người Israel rèn luyện tinh thần tự lập cho con ngay từ nhỏ và chúng đã thành công xuất sắc khi bước vào đời lập nghiệp.

 Từ chuyện học bơi

Đặt ra vấn đề này, không phải cha mẹ ở nước ta không làm được, mà nhiều người đã có cách giáo dục tinh thần tự lập cho con rất thành công. Tôi nhớ anh bạn trẻ, chưa bao giờ khoe con mình với ai, nhưng người ta nhìn vào, đều khen ngợi hai đứa con của anh. Chỗ thân tình, tôi biết, anh có cách nhìn từ lúc cho đứa con đầu lòng lên 5 đi học bơi. Khi đưa con đến hồ, anh giao toàn bộ cho thầy hướng dẫn, từ mặc áo phao cho đến khi xuống nước. Lúc đầu nó sợ, tỏ ý phản đối, nhưng cha xem như không thấy. Thầy hướng dẫn động viên, khích lệ, cuối cùng nó cũng miễn cưỡng chấp thuận. Thầy từ từ đưa tay đỡ cháu – dẫu không đỡ nó vẫn nổi vì có áo phao, hướng dẫn cách hoạt động tay chân, di chuyển. Trong vòng 10 phút, đưa cháu lên bờ. Giờ nhìn khuôn mặt nó không còn lo sợ như trước. Trên đường về, hỏi bơi thích không? Nó nói thích. Rồi đến 2 lần, 3 lần… thầy hướng dẫn không đưa tay nâng nữa, để nó lẫn vào đám bạn cùng lứa đang bơi, tự mình hoạt động di chuyển. Thấy nhiều bạn không mặc áo phao, thầy khích lệ làm theo, nó bỏ áo phao. Lúc đầu, thầy nâng vài vòng, rồi từ từ buông ra, cháu tự thao tác tay chân, nổi lên, bơi một mình. Buổi tập hôm ấy cháu rất phấn khởi, khoe, con tự bơi được rồi. Những lần tiếp theo, cháu xuống hồ lượn lờ dọc ngang bơi ếch, bơi ngữa… thoải mái vô cùng. Anh nghĩ, nó biết tự thân vận động, lượng sức mình phải làm gì trên mặt nước được, nên áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, để con tự giải quyết, chỉ hỗ trợ khi sự việc vượt quá khả năng. Từ lớp 1, sáng ngủ dậy tự xếp lại mền gối trước khi ra khỏi giường. Chuẩn bị đầy đủ sách vở trước khi ôm cặp đến trường. Đi học về, thay quần áo treo lên móc… Suốt năm lớp 1, đến lớp 2, cứ rèn như thế để thành nếp, phản xạ tự nhiên, cả chuyện sinh hoạt đến học tập. Suốt những năm học phổ thông, đôi khi cha mẹ vắng nhà, hai anh em tự biết lo cơm nước, nên rất yên tâm. Vào đại học, đứa anh tự tìm nguồn học bổng học tiếp. Khi lên đường du học, cha mẹ dự kiến đi tiễn con, nó nói, từ đây vào sân bay gần 300 cây số, đi về vất vả, để mình con đi, không sao đâu. Đứa em sau cứ thế làm theo anh, hôm nó đi du học, mẹ nói để tiễn vào sân bay, nó bảo, cũng như anh hai, ba mẹ đừng lo, để mình con đi, con còn thuận lợi hơn, qua bên ấy đã có anh hai rồi. 

Anh bạn nói, nghe thì đơn giản, nhưng không kiên trì ngay từ lúc cháu còn nhỏ thì khó mà thực hiện được. Chúng tôi kể chuyện này, vì thấy cách giáo dục gia đình của nhiều cha mẹ hiện nay như đang rơi vào tình trạng bao bọc “giống như hình tử cung”, “như máy bay trực thăng”, nhưng không nhận ra, điều đó gây rất nhiều khó khăn trong hợp tác giáo dục với nhà trường.

Võ Nguyên

(*): Sara Imas – Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương – Nhà xuất bản Dân Trí, 2017.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đơn giản nhưng không dễ