Theo dõi trên

Đừng để hình ảnh giáo viên xấu đi trong mắt học sinh

28/09/2017, 08:34 - Lượt đọc: 28

Suốt ngày “đòi” tiền

BT- Giờ ra chơi, cậu học trò lớp 4 tên Hùng chẳng may bị vấp té. Sau khi được thầy cô sơ cứu, thầy Lương giáo viên chủ nhiệm của em gọi điện thoại cho gia đình để thông báo và đưa em về. Chuông điện thoại cứ reo từng hồi nhưng đầu dây bên kia vẫn cứ lặng thinh. Thầy Lương thở dài “mỗi lần cần việc gì để liên lạc với phụ huynh là khó vô cùng, hoặc không nghe máy, hoặc tắt máy cái bụp”. Nói rồi thầy Lương nhắn vội cái tin: “Con chị ra chơi bị té lỗ đầu, tôi đã sơ cứu, gia đình đến trường chở cháu về vì bé đau không học được”. Tức thì chuông điện thoại của thầy đổ vang, mẹ Hùng gọi lại ngay: “Cháu có sao không thầy? Gia đình tôi sẽ đến liền”.

Nhiều giáo viên cũng lên tiếng, việc phụ huynh né tránh khi giáo viên gọi điện là chuyện bình thường. Có người để tránh rắc rối còn cung cấp cả số điện thoại “ma” để đỡ bị giáo viên làm phiền.

Có dịp ngồi nói chuyện với một số phụ huynh có con đang theo học ở một số trường học, được biết không ít người bức xúc với việc giáo viên thường hay gọi điện đến nhà để nhắc nhở phụ huynh việc đóng tiền cho con. Có người nói “thấy số giáo viên gọi đến, chưa cần nghe đã biết thầy cô muốn nói gì nên chẳng cần nghe làm gì cả”.

Đâu chỉ riêng phụ huynh, chính học sinh cũng luôn “dị ứng” với việc thầy cô lấn sân sang chuyện “đòi nợ”. Một học sinh lớp 3 đã từng viết trong bài tập làm văn của mình khi tả về cô giáo “Cô giáo bước vào lớp. Cô mặc chiếc áo dài hoa rất đẹp. Cô đặt chiếc cặp trên bàn và hỏi “hôm nay lớp ta có ai đóng tiền không?””. Có lần, do tình cờ mà chúng tôi chứng kiến được cuộc nói chuyện của một số học sinh bậc THPT. Có em lên tiếng “tớ ghét bà ấy, ngày nào lên lớp cũng nhắc nhở việc nộp tiền nghe phát chán cái tai”.

 Vì đâu nên nỗi?

Để thu được triệt để những khoản tiền cho nhà trường, không ai làm tốt hơn chính là các thầy cô giáo. Có người còn nói “một tiếng nói của thầy cô với học sinh, với phụ huynh trọng lượng gấp trăm lần ý kiến của một người khác”. Vì điều này mà giáo viên những người lẽ ra chỉ có nhiệm vụ dạy học thì giờ phải gánh thêm một trách nhiệm vô cùng nặng nề đó là nghề “đòi nợ”.

Thế là hằng ngày lên lớp, giáo viên thường làm công việc đòi nợ đầu tiên. Nào là “hôm nay lớp ta có ai đóng tiền không?” rồi thu tiền, ghi sổ, phát biên lai. Xong việc lại nhắc nhở những học sinh khác ngày mai đóng tiếp. Trường học càng khắt khe việc thu tiền với thầy cô, thì giáo viên càng phải làm quyết liệt với học sinh.

Vì lợi ích kinh tế mà nhiều trường học đang biến hình ảnh thanh cao, tao nhã của giáo viên thành những người suốt ngày đi đòi nợ với không ít ngôn từ lúc ngọt ngào dụ dỗ, khi hăm dọa…  để rồi chính những học sinh của mình, chính những bậc phụ huynh cũng mất dần đi sự kính trọng vốn có.

Để thầy cô trở thành “kẻ đòi nợ” đáng ghét hằng ngày thì phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm. Không nói khoản tiền đóng góp nhiều gây khó khăn cho nhiều gia đình, mà ngay những khoản tiền rất nhỏ như tiền học phí học sinh học buổi 2 vùng quê tôi chỉ thu từ 40 - 50 ngàn đồng/tháng. Thế nhưng ngày nào đến lớp thầy cô cũng phải nhắc, đòi liên tục cả tháng cũng chưa thu xong số tiền chừng 900 ngàn đồng/cả lớp. Họ không cần biết, cũng chẳng cần quan tâm chỉ vì dây dưa không nộp đủ tiền, thầy cô buộc phải đòi hằng ngày và chính học sinh là người mất đi bài vở.

Vậy nên để trả lại hình ảnh đẹp cho thầy cô, để thầy cô không còn là “kẻ đòi nợ”, chỉ nhà trường nỗ lực thôi chưa đủ mà phải cần có sự chung tay của tất cả phụ huynh.

Huyền Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để hình ảnh giáo viên xấu đi trong mắt học sinh