Theo dõi trên

Gắn đào tạo nghề với thị trường và việc làm

06/06/2018, 09:37 - Lượt đọc: 11

BT- Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh và đào tạo nghề. Qua đó, ngày càng đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm cao.

                
   Lao động nông thôn Hàm Thuận Bắc học sửa    chữa máy nông nghiệp.

Gần 98% học viên có việc làm

Với 26 CSGDNN, trong đó, có 17 CSGDNN công lập và 9 CSGDNN ngoài công lập, thời gian qua, các ngành, nghề đào tạo tương đối đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân. Cụ thể, đối với trình độ cao đẳng, trung cấp gồm các ngành, nghề như: điện công nghiệp; công nghệ ô tô; quản trị khách sạn; quản trị khu resort; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí... Đối với trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng lĩnh vực nông nghiệp cũng phong phú ngành nghề thu hút nhiều lao động nông thôn (LĐNT) theo học như nghề trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su; trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap; chăn nuôi gia súc; chăn nuôi gia cầm; thú y... Trong lĩnh vực phi nông nghiệp gồm các nghề như tiếng Anh chuyên ngành nghiệp vụ lễ tân; tiếng Anh chuyên ngành phục vụ nhà hàng; dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn; vận tải nông thôn; kế toán doanh nghiệp; may công nghiệp…

Nhờ đó, kết quả thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2017 đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Cụ thể, đào tạo nghề chung đạt 113,14%, trong đó đào tạo nghề cho LĐNT đạt 101,47%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, ước thực hiện đào tạo nghề cho 3.750 người, chiếm tỷ lệ 34,09%. Trong đó, đào tạo nghề cho LĐNT 1.500 người, chiếm tỷ lệ 25%. Nhiều CSGDNN đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề. Đồng thời, tích cực phối hợp với các huyện, thị trong việc tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Nhờ đó tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt kết quả cao, chiếm tỷ lệ 97,9%.  

Đa dạng phương thức đào tạo

Phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 11.000 người, trong đó tuyển mới trình độ cao đẳng 830 người, trình độ trung cấp 900 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 9.270 người. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, tổ chức điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đối với công tác đào tạo nghề. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, nhất là đối tượng LĐNT trên các phương tiện thông tin đại chúng và sinh hoạt thông qua các tổ chức hội đoàn thể. Cùng với đó, chỉ đạo các CSGDNN tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền học nghề.

Ngoài ra đổi mới phương thức đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và đi sâu hơn vào chất lượng phù hợp cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo. Tăng cường sự phối hợp giữa CSGDNN với doanh nghiệp, chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu lao động... Trong đó, chú ý đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động chưa qua đào tạo trong các doanh nghiệp.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn đào tạo nghề với thị trường và việc làm