Theo dõi trên

Ghi nhận ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Đề văn và toán vừa sức

26/06/2019, 09:19

BT- Kết thúc ngày thi đầu tiên (ngày 25/6) của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các thí sinh trong tỉnh đã hoàn thành 2 môn thi Ngữ văn và toán. Nhìn chung, tâm lý của thí sinh có phần nhẹ nhõm, phấn khởi vì làm bài tốt. Không có cán bộ, thí sinh vi phạm quy chế thi.

Đề văn vừa sức nhưng khó lấy điểm cao

Kết thúc môn thi đầu tiên Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút các thí sinh rất phấn khởi vì đề thi vừa sức dễ lấy được điểm trung bình. Nhưng để lấy được điểm cao không phải dễ bởi đòi hỏi thí sinh phải có sự hiểu biết sâu sắc.

 Đề văn gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm với 4 câu hỏi), ngữ liệu là một đoạn trích trong tác phẩm “Trước biển” của Vũ Quần Phương và phần làm văn (7 điểm với 2 câu hỏi). Theo nhận định của thí sinh và giáo viên, kiến thức của đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, có sự vận dụng cao. Đặc biệt, ở phần làm văn câu 2 (5 điểm) yêu cầu nêu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương trong đoạn trích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các thí sinh cho rằng, đề thi phần này giống đề thi thử của Sở GD & ĐT nên các em đều làm bài tốt. Thí sinh Mạnh Hùng - Trường TH, THCS & THPT Lê Quý Đôn cho biết, “em rất vui vì đề văn vừa sức, ở câu 2 phần làm văn giống đề thi thử nên em làm bài tốt. Em tự chấm điểm cho mình khoảng 6 điểm”. Tương tự, thí sinh Song Thư – Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo chia sẻ, “ban đầu em cũng rất lo lắng, hồi hộp nhưng khi cầm đề thi trong tay em thấy tự tin hơn vì kiến thức trong đề thi em đã được ôn tập kỹ, em làm bài khá tốt khoảng 70%”.

Về câu hỏi nghị luận xã hội (câu 1 phần làm văn) từ đoạn trích ở phần đọc hiểu yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nói về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Với câu hỏi này, thí sinh vận dụng thực tế, sáng tạo để thể hiện khát vọng, quyết tâm với lý tưởng cao đẹp, những hành động đẹp, sẵn sàng vượt qua những chông gai của cuộc sống. Cô Phạm Thị Xuân Rớt - Giáo viên môn văn, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo đánh giá, “đề thi không mang tính đánh đố nhưng vẫn có sự phân hoá cao phù hợp với kì thi “hai trong một”. Đề ra nằm trong vùng kiến thức trọng tâm các em đã được học. Ngữ liệu phần đọc hiểu không quá khó để các em trả lời 3 câu hỏi. Bài thơ đã gợi nhắc thế hệ trẻ về sự quyết tâm, ý chí vươn lên trước nghịch cảnh. Thí sinh dễ bộc bạch chính kiến bản thân. Phần nghị luận văn học, đề không dừng ở việc cảm nhận hình tượng sông Hương mà đòi hỏi thí sinh phải nhận xét cái nhìn mang tính phát hiện của nhà văn về dòng sông. Đây là điểm để phân hoá học sinh khá giỏi”. 

Đề toán giảm độ khó

Hoàn thành môn văn, buổi chiều thí sinh tiếp tục bước sang môn thi thứ 2, môn toán với thời gian làm bài 90 phút bằng hình thức trắc nghiệm với 50 câu hỏi. Theo nhận định của các thí sinh đề thi toán năm nay vừa sức, có sự phân hóa cao. Từ câu 1 đến câu 30 khá dễ phù hợp với học sinh trung bình, trung bình khá, 20 câu sau khó hơn nhằm phân loại học sinh. Em Nguyễn Trần Hữu Nguyên – Thí sinh Trường chuyên Trần Hưng Đạo cho biết, “em thấy đề thi vừa sức, so với đề năm ngoái thì mức độ khó giảm bớt. Em chọn môn toán để tuyển sinh đại học nên em đã cố gắng hết sức có thể, em làm khoảng được 35 câu”. Còn em  Nhật Duy - trường THPT Ngô Quyền cho hay, “đề thi phân hóa từ dễ đến khó, các kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 em đã được ôn kỹ. Em không chọn môn toán để xét tuyển đại học nhưng em làm được khoảng 60%”. Còn theo các giáo viên, độ khó của đề thi giảm so với năm ngoái, với đề thi này thí sinh học ở mức trung bình, khá không khó để đạt được  6 – 7 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm 9, 10 là không đơn giản.

Cùng với đó, bên ngoài phòng thi, các đội thanh niên tình nguyện “tiếp sức mùa thi” đã hỗ trợ nước uống nước, bút viết, phương tiện đi lại “ứng cứu” kịp thời cho các em khi cần. Nhiều phụ huynh cũng túc trực ở cổng trường đến lúc con thi xong nhằm động viên tinh thần cho các thí sinh.

Sáng nay (26/6), thí sinh sẽ thi bài thi tổ hợp KHTN với 3 môn thành phần (lý, hóa, sinh) với thời gian làm bài 50 phút/môn.

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi nhận ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Đề văn và toán vừa sức