Theo dõi trên

Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Cần tấm lòng yêu thương

18/04/2017, 14:35

BT- Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật còn gặp khá nhiều khó khăn, hạn chế. Một phần do trẻ khuyết tật còn mặc cảm, thì chính bản thân phụ huynh chưa thật sự nhận thức rõ khả năng phát triển của trẻ khi được tham gia học tập hòa nhập.

Trong những năm gần đây, giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được những kết quả quan trọng về nhiều mặt. Hệ thống quản lý giáo dục trẻ khuyết tật được hình thành rộng khắp các tỉnh, thành phố; các chương trình giáo dục trẻ khuyết tật được xây dựng và triển khai thực hiện; trẻ khuyết tật đi học ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực trạng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Vì phần lớn xã hội tin rằng các em không có khả năng nên thường bị loại ra khỏi mọi mặt đời sống, không được chăm sóc sức khỏe thỏa đáng, không có bạn bè, không được hưởng các cơ hội học tập... Do không được đến trường nên các em thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành.

Ông Nguyễn Ngọc Hường – Chủ tịch Hội Người mù Bình Thuận cho biết, với mong muốn mang lại cho trẻ khiếm thị cơ hội tiếp xúc bình đẳng với nền giáo dục mà các trẻ em bình thường nhận được. Các em có cơ hội học tập các kỹ năng và sự hiểu biết để hòa nhập trong xã hội nên thời gian qua, Hội luôn quan tâm, hỗ trợ các em. Trước đây vấn đề đăng ký cho các cháu khiếm thị học tập hòa nhập gặp nhiều khó khăn do nhiều trường còn ngần ngại tiếp nhận. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp nên các cháu có nhu cầu học tập hòa nhập đều được tiếp nhận tại các trường tiểu học, THCS, THPT. Mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến mới, song thực tiễn dạy học trẻ khiếm thị tại các cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác giáo dục hòa nhập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho giáo dục trẻ khuyết tật còn kém về chất lượng và thiếu về số lượng, chủng loại.

Cũng theo ông Hường, hiện nay toàn tỉnh có 29 cháu khiếm thị đang trong độ tuổi đến trường, nhưng chỉ có 10 cháu học tập hòa nhập. Trong đó, 6 cháu học tiểu học, 3 cháu học THCS và 1 cháu học THPT. Do phần lớn các trường đều không có giáo viên dạy chữ Braille nên việc dạy và đánh giá kết quả học tập cho các cháu còn khó khăn. Giáo viên chủ yếu kiểm tra bằng cách đọc câu hỏi cho các em trả lời. Để tham gia học tập hòa nhập cùng với các bạn trong trường là sự nỗ lực không ngừng của bản thân các cháu và gia đình. Chính vì vậy, nhằm giúp các cháu dễ dàng hơn trong học tập hòa nhập, trước tiên Tỉnh hội sẽ tổ chức dạy chữ Braille cho đến khi đọc thông viết thạo mới tiến hành đăng ký cho các cháu vào học tại các trường. Khi các cháu đã tham gia học tập hòa nhập, Hội sẽ hỗ trợ hỗ trợ sách, vở, bảng bút bằng cách mua hoặc xin Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh... vì 1 bộ sách học cho người khiếm thị có số lượng nhiều, được in nổi với loại giấy dày nên giá khá cao. Ví dụ như 1 quyển sách Tiếng Việt lớp 2 sẽ được dịch ra thành 7 quyển chữ Braille nên trung bình 1 bộ sách tiểu học khoảng 6 - 7 triệu đồng. Do giá cao nên Hội yêu cầu các em học trước phải giữ gìn sách cẩn thận cho các em học sau. Tuy nhiên, do cải cách giáo dục thường xuyên nên việc cung cấp sách giáo khoa cho các em khiếm thị nhiều khi chậm và thiếu sách.

Hiện nay, với số lượng trẻ khiếm thị học tập hòa nhập còn thấp, trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ cố gắng vận động, giúp các cháu xóa bỏ mặc cảm, tự ti tham gia học tập hòa nhập. Điều đó cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cấp, ngành, toàn xã hội với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Cùng chung tay xây dựng một xã hội hòa nhập, không rào cản cho tất cả mọi người, dù có hay không có khuyết tật, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ thêm.

Vẫn biết công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật là một việc làm hết sức khó khăn. Ngoài việc điều chỉnh, lựa chọn những kiến thức, phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với từng loại đối tượng trẻ khuyết tật thì còn cần có một tấm lòng yêu thương, một sự kiên trì nhẫn nại, chăm chút ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, luôn trân trọng từng sự tiến bộ, dù nhỏ của các em.

NgỌc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Cần tấm lòng yêu thương