Theo dõi trên

Giáo dục xưa và nay

17/02/2017, 08:25 - Lượt đọc: 18

Ngày trước

BT- ...Tôi học phổ thông ở miền Nam trước năm 1975, trải qua kỳ thi tú tài IBM (1974), gọi IBM bởi bài thi của kỳ thi được chấm bằng máy của Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia (IBM = International Business Machines, có trụ sở tại Armonk, New York, Mỹ). Đề thi năm ấy bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (học 10 môn, thi 10 môn - trong đó có môn sinh ngữ 1 và sinh ngữ 2, gồm tiếng Anh và tiếng Pháp), không có đề thi trắc nghiệm tự luận - kể cả môn thi triết học. Nghe nói bài thi hoàn toàn chấm bằng máy, chúng tôi không hình dung ra và sợ lắm!  Sau năm 1975, ra trường đi dạy, đến những thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tin học vẫn còn là vấn đề xa lạ đối với giáo viên, nói gì đến học sinh.

                
      
Đoàn học sinh Việt Nam tại kỳ thi Olympic    quốc tế 2015 (IOI) tổ chức tại Đại học Almaty Kazakh nước    Kazakhstan.

 Thời nay

Thế nhưng, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, học sinh tốt nghiệp phổ thông đều biết sử dụng vi tính khá thành thạo, rất nhiều em từ tiểu học đến trung học tham gia học và thi trên mạng Internet, hằng năm được tổ chức tranh tài về tin học trẻ. Họ sử dụng tin học để phục vụ cuộc sống. Ví như cuộc thi Youth Hack–Code For Change gần đây (10/2016 đến 1/2017), tuổi trẻ đã ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhiều vấn đề của xã hội nóng bỏng cấp thiết đang đặt ra như ô nhiễm môi trường về nguồn nước (cá chết hàng loạt), ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đô thị, cộng đồng nhân ái, vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm hại tình dục trẻ em, cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét và sạt lở đất... Đây là vấn đề hết sức xa lạ đối với các thế hệ tuổi trẻ trong nhà trường từ hai, ba mươi năm về trước ở nước ta. Đó là nói về xưa và nay ở một môn học.

Xét về kiến thức giáo dục theo chương trình phổ thông nói chung khi nhìn ra nước bạn, thực tế năng lực học sinh Việt Nam với học sinh quốc tế ở mức độ nào? Đơn cử công bố kết quả xếp hạng PISA (Programme for International Student Assesment) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – viết tắt: OECD). PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD khởi xướng. Trong năm 2015, PISA đánh giá trên bài thi của hơn nửa triệu thí sinh đại diện cho 28 triệu học sinh 15 tuổi ở 72 quốc gia và nền kinh tế. Ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, họ tự chọn trường và chọn danh sách học sinh một cách ngẫu nhiên để khảo sát, đánh giá (trong đó có học sinh tỉnh Bình Thuận: 33 học sinh THPT Hùng Vương, 35 học sinh THPT Hòa Đa và 16 học sinh THCS Nguyễn Đình Chiểu - Phan Thiết). Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Trong khi đó các nước có nền giáo dục tiên tiến như Canada xếp hạng 20 và Mỹ xếp hạng 25. Nếu tính lần đầu tiên Việt Nam tham gia xếp hạng PISA (năm 2012), về kiến thức toán, khoa học và kỹ năng đọc đã đạt điểm cao hơn vương quốc Anh và Mỹ.  

Đại chúng và tinh hoa

Trong một nền giáo dục có bộ phận giáo dục mang tính đại chúng, rộng rãi cho toàn dân (chương trình giáo dục phổ thông) và một bộ phận tinh hoa (có người gọi là bộ phận “mũi nhọn”) cho học sinh năng khiếu. Học sinh Việt Nam trong bộ phận tinh hoa đã từng tham gia vào những thử thách, cọ xát về trình độ năng lực qua những kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2015 tổ chức tại Kazakhstan, đoàn Việt Nam đã xếp hạng thứ 8 trên tổng số 84 đoàn tham dự và đứng đầu các nước Đông Nam Á, được xem kỳ thi đạt thành tích vượt bật. Năm 2015, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Toán quốc tế xếp thứ 5 trên tổng số 106 đoàn tham dự. Năm 2016, đội tuyển Việt Nam đã đứng đầu trong kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (International Mathematics and Science Olympiad) tổ chức tại Indonesia dành cho học sinh độ tuổi dưới 13 (lớp 6)… 

Điểm qua vài thành tích như vậy, thấy rất tự hào về năng lực, trí tuệ - sức học của học sinh Việt Nam hiện nay. Nhưng nhìn chung vào nền giáo dục, các chuyên gia cũng như những nhà giáo tâm huyết vẫn thấy giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề - gọi là tụt hậu - so với thế giới. Điều đó cần phải tiếp tục nghiên cứu, so sánh, đối chiếu thấy rõ nguyên nhân để các chuyên gia, các nhà quản lý tìm ra giải pháp.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục xưa và nay