Theo dõi trên

Giáo viên lớp 1 tự xây dựng kế hoạch dạy học

27/10/2020, 08:55 - Lượt đọc: 72

BT-  Đến nay đã gần 2 tháng áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có nội dung còn nặng, chưa phù hợp, gặp khó khăn trong quá trình dạy và học.

                
      Một tiết học môn Tiếng Việt trong chương trình lớp 1 mới.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Ngay sau khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số trường tiểu học và nhận thấy các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường. Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 bước đầu áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng; nề nếp dạy học bước đầu đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều, Sở GD-ĐT đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các trường và giáo viên trong quá trình dạy và học.

Theo đó, Sở GD-ĐT tổ chức triển khai cho đội ngũ giáo viên nắm rõ và thực hiện theo Thông tư 28 ngày 4/9/2020 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành điều lệ trường tiểu học (khi có hiệu lực thi hành). Đối với các lớp 1, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần. Theo bà Thắng, với thời lượng trên, thầy và trò đủ giải quyết bài học trên lớp, nên việc giao bài tập về nhà cho học sinh là không cần thiết, để dành thời gian cho các em nghỉ ngơi, vui chơi sinh hoạt với gia đình. Riêng đối với các trường đặc thù có đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hiệu trưởng tham mưu UBND huyện thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 9890, ngày 17/9/2007 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn nội dung, phương pháp giáo dục cho học sinh khó khăn. Giao quyền chủ động cho hiệu trưởng xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, để không gây quá tải. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Cùng với đó, giao quyền tự chủ cho giáo viên dạy lớp 1 trong việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với thực tiễn từng lớp, đối tượng học sinh. Khuyến khích giáo viên chủ động, linh hoạt, mạnh dạn thay thế những nội dung trong sách giáo khoa nếu chưa phù hợp, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng theo Thông tư 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD-ĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông, để giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học. Đặc biệt, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh, đồng thời bố trí, sắp xếp cho học sinh nơi để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp, tuy nhiên vẫn đảm bảo sự phối hợp của cha mẹ học sinh khi cần thiết. Song song đó, đề nghị các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp, liên hệ với các giảng viên sư phạm đã trực tiếp tập huấn các bộ sách…

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên lớp 1 tự xây dựng kế hoạch dạy học