Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Cách dạy học ngày xưa

22/06/2018, 09:54

BT- Vừa rồi về quê, chúng tôi gặp cụ ông đã 93 tuổi, nhưng phong thái linh hoạt và minh mẫn, kiến thức nho học sâu rộng. Biết chúng tôi ở trong ngành giáo dục, cụ thân tình hỏi về việc dạy học trong nhà trường hiện nay, nên có cuộc trao đổi rất tâm đắc.

                
      
Giờ địa lý - bản đồ minh họa vẽ to thật to,    còn vẽ trên bảng nữa chứ. Còn bản đồ giáo viên minh họa giảng dạy    bây giờ căng mắt mà nhìn. Ảnh minh họa

Lợi hại của tiện ích hiện đại

Cứ nghĩ mình đang ở thời đại tiếp cận 3.0, 4.0, nên giới thiệu với cụ về những phát triển của khoa học giáo dục với tầm cao của thời đại. Cụ bảo thời của các cụ chưa hiểu gì về tin học, còn bây giờ cụ e ngại những đứa cháu trong nhà cứ cắm cúi vào cái iPhone, iPad, rồi Facebook gì đó… Khi nghe chúng tôi giải thích về những tiện ích của loại công cụ này, cả mặt tích cực như tìm hiểu nắm bắt thông tin nhanh nhạy nhất toàn cầu để phục vụ cho việc học tập, mở mang kiến thức hết sức thuận lợi, cũng như mặt tiêu cực là do trình độ văn hóa và tri thức còn thấp kém của người sử dụng vào những trò chơi nhiều khi vô bổ. Cụ hỏi trò chơi vô bổ là sao? Câu hỏi cụ đặt ra là vô cùng, nhưng chúng tôi chỉ nêu một số điểm, như sử dụng tiện ích để đưa những thông tin không tốt về đạo đức (sự tục tĩu, khiêu dâm, bạo lực…, hoặc chuyển tải những nội dung bịa đặt giật gân bất lợi cho người tiếp nhận), hay khoe những chuyện vớ vẩn vô thưởng vô phạt như sáng nay đi chợ mua được mấy con cá, mớ rau, hoặc chiếc đầm, chiếc váy, đôi giày, áo lót…

 Cách dạy học người xưa và ngày nay

Nghe thế, cụ trầm ngâm một lúc rồi hỏi về nội dung giáo dục trong nhà trường hiện nay như thế nào mà thấy người ta phản ứng lắm vậy. Chúng tôi nói có những người không hiểu về giáo dục lắm nhưng phê phán, còn thực tế nhiều năm nay đã cập nhật kiến thức hiện đại vào chương trình giảng dạy để đuổi kịp sự phát triển khoa học công nghệ tiên tiến của nhân loại. Cụ gật gù rồi hỏi về cách dạy như thế nào? Chúng tôi biết cụ đang hỏi về phương pháp dạy học, nên giới thiệu một số đổi mới phương pháp đang triển khai áp dụng hiện nay trong nhà trường. Vì cái bệnh nghề nghiệp, nghe hỏi vậy, chúng tôi lại say sưa nói về phương pháp, phê phán lối dạy học ngày xưa truyền đạt một chiều, học vẹt, là lối học thụ động, ngày nay người thầy làm vai trò hướng dẫn giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức và tư duy sáng tạo, ứng dụng thực hành. Nghe đến đây thì cụ cười, hỏi lại ngày xưa là ngày xưa nào, rồi bảo, có lẽ cách dạy người xưa không phải thế.

Cụ nói, cách đây đã 2.500 năm, trong Luận ngữ, Khổng Tử(1) đã nói: “Học nhi thời tập chi, bất duyệt lạc hồ” – học đồng thời áp dụng những điều mình học (học phải hành) mới đem lại niềm vui, hạnh phúc. Cách dạy của ông là luôn gợi ý để người học tiếp tục suy gẫm và tự khám phá: “Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã”(2), là “Giảng cho một góc rồi mà không suy ra được ba góc kia thì không giảng cho nữa”. Có nghĩa là từ một vấn đề khúc mắc, ông chỉ gợi mở một khía cạnh nào đó, rồi yêu cầu người học phải tự tìm để hiểu nốt những nội dung ý nghĩa còn lại, tức yêu cầu môn đệ phải biết suy luận. Cách dạy yêu cầu người học phải tự suy nghĩ đó có tầm nhìn rất mới, không bảo thủ, người học không được chấp nhận một chân lý nào cả, phản đối lối học thuộc lòng rồi nói vanh vách như con vẹt mà không hiểu gì. Khi giảng giải mở rộng kiến thức, ông yêu cầu người học phải biết nắm bắt tóm lược được hết những đại ý chính của bài học. Theo sách để lại, khi giảng dạy, ông phân biệt từng đối tượng, hiểu tư chất của từng người, để có cách dạy sao cho thích hợp, chứ không phải tập trung mọi người lại để giảng chung một bài. Khi dạy, ông cho môn đệ nêu thắc mắc của mình trước, tự vấn tâm, như thế nào, phải làm gì, rồi cho đồng môn trao đổi, luận bàn, vì không có thắc mắc thì chưa đủ tâm thế để hiểu bài, có giảng cũng giống như nước rơi đầu vịt, chẳng có hiệu quả gì. Nói đến đây thì ông nhìn chúng tôi cười và hỏi thầy thấy thế nào của cách dạy người xưa, làm chúng tôi sững người, im lặng.

 Thế nào là đổi mới

Hóa ra những cốt lõi của phương pháp dạy học để đạt hiệu quả tích cực với người học đã có tự bao đời. Thế mà người sau tiếp nhận nó lại lái sang hướng khác. Cái gì cũng cho Tử viết là kinh điển, là chân lý, trong khi đó, Khổng Tử yêu cầu môn đệ “không được chấp nhận một chân lý nào cả”, nghĩa là phải luôn phát minh, sáng tạo với chính năng lực trí tuệ của mình, có khác gì với cách đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Võ Nguyên

(1): Khổng Tử (sinh ngày 27/8 (âm), năm 551 – mất 11/4/479 TCN; (2): Thuật nhi - Luận ngữ.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Cách dạy học ngày xưa