Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Che giấu đến bao giờ

10/08/2018, 10:24 - Lượt đọc: 42

Có phải là đổi mới 

BT- Vừa qua (1/8), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với Chính phủ là đã ban hành kế hoạch hành động xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động tích cực tới đổi mới phương pháp dạy và học(1). Điệp khúc này cứ nhắc đi nhắc lại, người đứng lớp ai mà không biết việc ra đề kiểm tra, đánh giá là định hướng cho dạy và học. Nhưng đã đổi mới thi chưa? Thế hệ chúng tôi học phổ thông ở miền Nam, năm 1974, cách đây 44 năm, đã từng thi tú tài tất cả 10 môn (trong đó có sinh ngữ 1, sinh ngữ 2 và triết học) theo đề trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi có 5 phương án trả lời (a,b,c,d,e), phiếu làm bài thi tập trung về Sài Gòn để quét chấm bằng máy IBM(2).

                
Ảnh minh họa

Ưu thế thi đề trắc nghiệm khách quan là đánh giá được kiến thức diện rộng của chương trình với quỹ thời gian làm bài nghiêm ngặt, nhưng không đánh giá được chiều sâu tư duy sáng tạo như đề tự luận đối với người học. Nên thi theo hình thức đề trắc nghiệm khách quan hoàn toàn không có ưu thế cho kỳ thi tuyển sinh. Bởi buộc học sinh phải học ghi nhớ là chính - trong đó còn có những may rủi (khoảng 20%) với những câu hỏi thí sinh không chọn được phương án trả lời, nên đánh “hên xui” vào ô phiếu làm bài. Có phải cố giữ hình thức thi cử vừa qua buộc thí sinh học ghi nhớ như thế là đổi mới thi cử để “tác động tích cực tới đổi mới phương pháp dạy và học”?

   Bệnh thành tích từ đâu

Bộ trưởng còn báo cáo, có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp THPT giao cho các địa phương tổ chức… Phương án này cũng được cân nhắc nhiều, nhưng nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt(3). Nói vậy, Bộ trưởng có thấy rằng việc đưa ra quy chế lấy kết quả học lực lớp 12 tham gia vào điểm thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh với tỷ lệ 50:50 thì hiện tượng nâng điểm ở các trường phổ thông diễn ra như thế nào không? Có trường kết quả điểm trung bình học bạ ở lớp 10, 11 không tới 15 - 20% học sinh tiên tiến, nhưng đến lớp 12 thì tăng đến 70 – 80% học sinh có điểm từ 7 trở lên. Có trường đậu tốt nghiệp 100%, nhưng điểm bình quân 4 môn thi ≥ 5 là: 31,58%.

Việc nâng điểm học bạ rất bức xúc với những giáo viên có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, nghiêm túc. Nhiều giáo viên rất e ngại nhưng không dám nói ra khi hiệu trưởng không có văn bản nhưng ngầm chỉ đạo nâng điểm, nên ở lớp 12 tỷ lệ xếp loại học lực học sinh trung bình, yếu giảm xuống đột ngột, tỷ lệ học sinh tiên tiến, giỏi đột biến tăng lên bất thường - nhưng không thực chất. Hiệu trưởng không làm thế, tỷ lệ tốt nghiệp thấp,  phải giải trình với sở; toàn tỉnh tỷ lệ tốt nghiệp thấp, sở phải giải trình với tỉnh. Tỷ lệ tốt nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng làm căn cứ xét danh hiệu thi đua các cấp. Vì thế nên cần phải nhận ra nhờ đâu cả nước tốt nghiệp 97,57% (năm 2018)(4). Biết rằng điểm đậu tốt nghiệp đa phần là điểm ảo, nhưng tổng kết không thấy Bộ trưởng nêu lên sự thật này, mà bao giờ cũng công bố kỳ thi diễn ra tốt đẹp, thậm chí còn “được nhân dân các địa phương đồng tình ủng hộ”! Vậy “bệnh thành tích” từ đâu ra?  

Không lo từ gốc

Đổi mới căn bản(5), toàn diện giáo dục phải đi từ gốc rễ của thực chất thành quả đào tạo. Điều quan trọng đổi mới dạy - học để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay trước tiên phải xóa ngay hiện tượng điểm ảo trong học bạ lớp 12, trả lại sự trung thực trong dạy và học của thầy và trò. Sao Bộ trưởng không chỉnh đốn từ gốc - bản chất của vấn đề, mà cứ lo loay hoay phần ngọn về chuyện thi cử, nên dẫn đến những sai phạm vừa qua. Chúng tôi không biết Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ có được nghe ai báo cáo cặn kẽ về thực trạng giáo dục như đã nêu trên hay không.

Võ Nguyên

Nguồn: (1),(3). https://news.zing.vn; (2). IBM – viết tắt của International Business Machines (4). http://dantri.com.vn; (5). Căn bản (根本) là gốc rễ, cốt lõi.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Che giấu đến bao giờ