Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Chương trình với thực hiện

04/01/2019, 08:07

BT- Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố chương trình thay sách giáo dục phổ thông để áp dụng - theo hình thức cuốn chiếu, vào những năm sắp tới đối với các cấp: Tiểu học từ năm học 2020 – 2021, trung học cơ sở (THCS): 2021 – 2022, trung học phổ thông (THPT): 2022 – 2023. Nhìn vào cấu trúc chương trình, thấy nổi lên một số vấn đề gây không ít quan ngại đối với cơ sở khi đưa vào thực hiện.

Cấu trúc chương trình và phân hóa đối tượng

Trong chương trình tổng thể, nếu xét tổng số tiết/năm học ở các cấp: lớp 4 và 5: 1.050 tiết (bình quân: 30 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn); lớp 8, 9 THCS: 1.032 tiết (bình quân: 29,5 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn), lớp 10, 11, 12 THPT: 1.015 tiết (bình quân: 29 tiết/tuần, không kể các môn tự chọn)(1). Nhìn vào tổng số tiết ở mỗi cấp học (dẫu rằng tiểu học mỗi tiết học 35 phút, có thể học/buổi hoặc học/ngày) cũng thấy quỹ thời gian đến trường để học giữa các cấp sít soát với nhau - không phân biệt lứa tuổi, mà trọng lượng nghiêng về đè nặng lên vai học sinh cấp tiểu học (lớp 4, 5).

Việc phân nhóm môn học ở cấp THPT nhằm đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng cho học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cấu trúc chương trình, ngoài các môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh), phân hóa đối tượng thành 3 nhóm để đáp ứng nhu cầu và năng lực học sinh: Nhóm môn khoa học xã hội, gồm: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: vật lý, hóa học, sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật(2). Môn âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT trước đây không có. Chương trình phân hóa không phải giảm nhẹ mà bỏ hẳn một số môn (khi học sinh tự chọn) suốt 3 năm học cấp THPT. 

                
Chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Đình    Hòa

Cảnh tỉnh vết xe đỗ

Chương trình phân nhóm để định hướng giúp học sinh học theo năng lực và sở thích là đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn lại công cuộc đổi mới chương trình phổ thông trung học trước đây (từ năm 2000), lúc đầu thí điểm phân ban THPT có 2 ban: Khoa học xã hội – nhân văn (KHXH-NV) và khoa học tự nhiên, nhưng qua một thời gian, nhiều học sinh không theo học nổi, nên mới sinh thêm ban cơ bản (thành ra 3 ban). Đối với KHXH-NV, rất ít học sinh theo học; những trường THPT lớn, mỗi khối có đến 20, 25 lớp, nhưng khoảng 30 học sinh theo học ban này, hiệu trưởng xét thấy không đủ sĩ số theo biên chế (40 - 45 học sinh/lớp) quy định, nên tự ý đóng cửa đối với ban KHXH-NV. Một số ít học sinh  học ban khoa học tự nhiên, còn lại học ban cơ bản. Một điểm nữa là thi tốt nghiệp THPT (4 năm gần đây đổi lại tên gọi là thi THPT quốc gia (kỳ thi hai trong một), thời gian đầu Bộ GDĐT ra đề thi còn dành riêng cho đối tượng học sinh theo học từng ban (nhưng mức độ nội dung đề không khác mấy cho sự phân hóa). Còn những năm gần đây, đề thi chỉ thống nhất nội dung một chương trình theo ban cơ bản. Tốn biết bao công sức biên soạn, viết sách, tập huấn giáo viên trên toàn quốc, để cuối cùng chứng kiến việc thực hiện chương trình phân ban hoàn toàn phá sản.  

Cấu trúc chương trình mới để triển khai thực hiện sắp tới, việc phân nhóm môn học ở cấp THPT mang dạng thức gần như chương trình phân ban trước đây, song yêu cầu dạy lồng ghép - tích hợp ở một số bộ môn, có thêm nhóm môn công nghệ và nghệ thuật mà trước đây chưa có – chỉ riêng nhóm môn học này liệu có kịp thời đào tạo đủ đội ngũ giáo viên để đáp ứng việc giảng dạy hay không – âm nhạc, mỹ thuật là những môn thuộc về năng khiếu. Nếu Bộ GDĐT cũng như các địa phương không chuẩn bị chu đáo, chắc chắn sẽ giẫm lên vết xe đỗ phá sản phân ban vừa qua. Chúng tôi nghĩ, những người làm công tác giáo dục, nhìn thẳng vào thực trạng, xem làm nổi hay không, để lên tiếng cảnh báo, đừng để học trò rơi vào thân phận “chuột bạch”, tốn công mất của, mà tác hại không thể lường trước nổi.

Võ Nguyên

(1), (2): Nguồn: https://vnexpress.net



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Chương trình với thực hiện