Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Còn chút gì để nhớ mang theo

17/05/2019, 08:11

BT- Anh bạn tôi kể, có em học trò từ xa về, liên hệ với nhóm bạn cũ cùng lớp họp mặt, họ mời anh đến chung vui. Anh bảo, ngỡ ngàng quá, đến nơi không nhận ra em nào, tên gì, có em tóc điểm muối tiêu, một em tóc dài chấm vai trông nghệ sĩ. Khi thầy trò vào cuộc, chuyện xưa rôm rả. Em tóc dài nói, hồi ấy thầy luôn gợi cho bọn em để tự suy nghĩ, nhưng lại ấn tượng khó quên.

                
Ảnh minh họa

Làm việc gì phải biết mục đích

Nó (tóc dài) kể, nhớ tiết học đầu tiên, thầy hỏi, học văn để làm gì? Lúc đầu còn e ngại, nhưng sau cả lớp sôi nổi, trả lời đủ cách, đến khi nó (tóc dài) trả lời, học văn để thành thi sĩ, thầy khoát tay cho dừng lại, bảo học sinh cả nước ai cũng học văn, nhưng học để trở thành thi sĩ hết thì cả dân tộc chết đói mất thôi, làm cho cả lớp cười ồ. Hình như các bạn chưa ai trả lời thật chính xác, nhưng thầy không giải đáp, mà kể, thời Đức Quốc Xã(*), họ bắt một nhóm tù binh, sáng ra giếng lấy gàu múc nước lên rồi đổ nước xuống giếng trở lại, cứ làm như vậy, hết ngày này qua ngày khác, cuối cùng tù binh phải cắn lưỡi tự vẫn. Thầy hỏi, các em có biết vì sao không? Nó (tóc dài) trả lời, bởi họ không chịu nỗi một việc làm vô nghĩa lý, không có mục đích. Thầy khen, giỏi lắm, khi làm một việc mà không biết mục đích của nó để làm gì, đó là một cực hình đáng sợ. Các em học văn – cũng như học các môn khác mà không biết học để làm gì thì sẽ vô cùng chán ngán. Về suy nghĩ đi, học văn để làm gì, sau này thầy sẽ hỏi kiểm tra lại, xem như dò bài đấy. Kể đến đây, em cười thích thú, nói cách dạy của thầy thường gợi cho bọn em tự tìm tòi suy nghĩ là chính, nhưng lại rất ấn tượng, bởi tự tìm ra được vấn đề thì nhớ mãi không quên, sau này em thường hướng dẫn cho các con em như thế, bảo chúng làm bất cứ việc gì cũng phải xác định cho được mục đích.

 Nghĩa đen - nghĩa bóng

Nhớ lần dạy tập làm văn, thầy đưa ra câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,  yêu cầu giải thích, tìm nghĩa đen, nghĩa bóng, bình luận. Các bạn sôi nổi trao đổi, nào là sống trên đời phải có lòng yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần nhân đạo… Thầy bảo, nói thế không sai, nhưng phải bám vào hình ảnh cụ thể trong câu ca dao để giải thích, sao dân gian không nói “bí ơi thương lấy bầu cùng” mà nói “bầu ơi thương  lấy bí cùng?”. Đến đây thì cả lớp lớ ngớ, nhưng thầy không giải thích, cuối tiết học thầy hỏi: Chiều nay em nào thích đi dã ngoại với thầy? Cả lớp nhao nhao: em, em… Thầy nói nhiều quá, mỗi tổ cử 3 em thôi, cuối buổi học đưa danh sách cho thầy. Nhiều bạn tỏ ra không mấy hài lòng, nhưng cũng chọn người lên danh sách.

Chiều ấy, thầy trò đạp xe (hồi đó xe honda còn hiếm) về nông thôn, đến một ngôi nhà cách thị xã trên 10 cây số. Thầy bảo, nhà ông bạn vong niên của thầy, một lão nông chính hiệu. Thấy một đám thầy trò bỗng dưng kéo đến, bạn thầy hơi ngạc nhiên vì bất ngờ không được báo trước, nhưng ông tiếp đón rất nhiệt tình, vui vẻ. Thầy hỏi, cái giàn bầu bí sau vườn nhà anh còn không? Còn chứ, mà để làm gì? Bây giờ các bạn mới ngớ người, hóa ra thầy dẫn đi xem “cái câu ca dao” trong bài nghị luận khi sáng. Chủ nhà dẫn ra vườn, thầy bảo bọn em quan sát cho kỹ. Khi bọn em phát hiện ra, rồi thắc mắc; chủ nhà giải thích, bầu là loại dây hút nước rất dữ, phát triển rất nhanh, rất mạnh, bầu với bí mà cho leo chung một giàn, bao giờ bầu cũng lấn át, làm cho bí cứ èo uột, không phát triển nổi, nên người ta mới nói “bầu ơi thương lấy bí cùng”, nhưng nó có thương đâu. Các bạn trong nhóm cười ồ, em tóc dài nói như reo, thầy ơi, nghĩa đen hay quá! Thầy bảo, về nói lại cho các bạn trong lớp không có mặt ở đây biết đấy.

Anh bảo, các em ấy ôn lại rất nhiều kỷ niệm, thấy vui. Nhớ hồi đi dạy, có khi hứng lên, dạy mỗi lớp một cách khác nhau, rồi thời gian trôi qua, lâu quá, nếu các em không nhắc làm sống lại, chắc tôi cũng quên phén đi mất. Còn tôi lại nghĩ, có nhiều giáo viên dạy xong, học sinh ra trường vào đời, nhiều em chẳng còn được chút gì để nhớ mang theo.

Võ Nguyên

(*): Đức Quốc Xã, còn gọi Đệ Tam Đế chế ở nước Đức trong thời kỳ 1933-1945, đặt dưới chế độ độc tài  của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Còn chút gì để nhớ mang theo