Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Học Hán Nôm

25/01/2019, 10:41 - Lượt đọc: 24

BT- Nhân đọc bài “Đình làng Phú Hội” của tác giả Đặng Ngọc Hùng đăng trên Tạp chí “Xưa & nay”(1) nói về 5 bản sắc phong của triều Nguyễn ban cho thần thành hoàng bổn cảnh nơi đây vẫn nằm yên trong hộp, các bậc cao niên chăm sóc đình cũng không biết trong đó viết gì - lại có hiện tượng mọt đục thủng, gợi chúng tôi nghĩ đến kho thư tịch - tàng văn chữ Hán Nôm nghìn năm của cha ông trong quá khứ.

 Học tập suốt đời

Thời gian qua, một số nhà giáo đề xuất đưa chữ Hán vào dạy trong nhà trường phổ thông, cho rằng kho từ vựng tiếng Việt hiện có đến 70% từ Hán Việt và nêu ý kiến dạy chữ Hán để làm trong sáng tiếng Việt, bị dư luận cộng đồng mạng công kích, thậm chí dè bỉu. Chúng tôi nghĩ khác, không đưa chương trình dạy chữ Hán vào trường phổ thông, nhưng phải cho học sinh phổ thông học nghĩa từ vựng Hán Việt, có thế mới sử dụng từ ngữ để nói và viết tiếng Việt chính xác, trong sáng. Vừa rồi, tôi ngồi xem đội tuyển Việt Nam đấu tranh giải Asian Cup vòng 1/8 với Jordan (20/1/2019) ở nhà người bạn, cùng với nhóm thanh niên, nghe họ cãi nhau về từ “việt vị” hay “liệt vị”. Khi ấy, anh bạn tôi (người lớn tuổi nhất trong nhóm) bực mình nổi nóng, lên tiếng gắt: “việt” () là vượt – “việt vị” là vượt quá vị trí, giới hạn quy định, nên phạm luật, chứ “liệt” cái gì mà liệt. Một chữ “cửa miệng” hằng ngày như vậy cũng không hiểu, thế đi giao dịch với người Tây thì giải thích làm sao?

Ảnh minh họa

Hóa ra lâu nay anh là học viên của câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm Quế Sơn – Duy Xuyên. Ở đây Hội Khuyến học kết hợp với Trung tâm Văn hóa tổ chức lớp học chữ Hán Nôm, mời những thầy giáo có trình độ chuyên môn về dạy. Thầy dạy cũng tự nguyện, không nhận thù lao; học viên không đóng học phí; điện nước sinh hoạt ở CLB do địa phương hỗ trợ. Người đi học đủ mọi lứa tuổi (có người đã 74), đủ thành phần (giáo viên, bác sĩ, nhà báo, văn nghệ sĩ, cán bộ đương chức, về hưu…), cả nam lẫn nữ. Đến mỗi chiều thứ bảy hàng tuần họ tập trung về CLB để học, có học viên phải vượt qua quãng đường đến 38 km, không ép buộc, không điểm danh, đến CLB học với tinh thần tự giác, trừ những lúc ốm đau, còn lại hầu như không vắng buổi nào. Khi biết anh đang học ở CLB này, hôm sau tôi lại đến tìm hiểu. Anh bảo, học viên còn có mấy anh chủ tịch, phó chủ tịch huyện về hưu cũng rất nhiệt tình, nói quê mình có rất nhiều đình chùa, miếu mạo, bia mộ, nhà  thờ họ tộc… viết nhiều câu bằng chữ Hán, mỗi lần con cháu đi theo hỏi nghĩa mấy chữ đó là gì, thế là ngớ ra, mù tịt, mang danh chức này, cấp kia mà không giải thích nổi với bọn nhỏ, thấy chẳng ra làm sao. Một thứ chữ đã nghìn năm cha ông sử dụng, đang còn sờ sờ trước mắt, ngay trên làng quê, con cháu lại không biết, thiếu quan tâm, thấy vô tình với tiền nhân quá. Các anh ấy nói nghe tin có lớp học này, nên phải theo học, phải “khôi phục” lại uy tín của mình với con cháu, bây giờ  vẫn còn chưa muộn. Nói đến đây, anh bạn tôi cười: Có cô Hằng, 31 tuổi, cán bộ văn phòng đảng ủy xã, cũng có suy nghĩ như vậy, theo học rất đam mê. Cô cảm thấy hãnh diện, hứng thú mỗi khi ngước mắt nhìn lên những câu liễng nơi thờ tự tôn nghiêm để giảng giải cho bạn bè hiểu nội dung nói gì. Chúng tôi thấy đây là mô hình giáo dục - văn hóa rất có ý nghĩa, thiết thực, cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Qua mô hình này, cho thấy đang mở ra hướng tiếp cận biện pháp giúp cho người dân có điều kiện học tập suốt đời theo sở thích. Việc học Hán Nôm bây giờ rất thuận lợi, có sự hỗ trợ phần mềm từ điển, không giống cách học của những cụ đồ ngày xưa, địa phương nào cũng có thể tổ chức được. 

Những lỗi rất đơn giản

Ý nói “làm cho tiếng Việt trong sáng” là phải hiểu đúng nghĩa từ Hán Việt để sử dụng trong giao tiếp (nói và viết) cho chuẩn. Nếu hiểu thêm được mặt chữ để phân biệt các đồng âm lại càng đáng quý. Gần đây, chúng tôi đọc những bài viết trên các mặt báo hằng ngày, thấy không ít hiện tượng diễn đạt thừa khi dùng từ Hán Việt. Như viết “sĩ số học sinh trong lớp” là cách dùng thừa từ. Bởi từ “sĩ” () nghĩa: học trò - học sinh, “số” () là số lượng. Đã dùng “sĩ” rồi mà còn thêm “học sinh”! Sao không viết “sĩ số trong lớp” hoặc “số lượng học sinh trong lớp”. Hiện tượng hiểu từ - dùng từ Hán Việt không chuẩn như thế không phải cá biệt mà rất phổ biến. Nên chúng tôi nghĩ, muốn dạy cho học sinh nói chuẩn, viết chuẩn tiếng Việt, trước tiên phải dạy cách tìm hiểu nghĩa từ vựng, trong đó có kho từ vựng Hán Việt.

Võ Nguyên

(1): Cơ quan khoa học lịch sử Việt Nam số 501 tháng 11/2018.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Học Hán Nôm