Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Năng khiếu và đam mê

13/07/2018, 09:21 - Lượt đọc: 240

BT- Cách đây 6 năm, ngồi xem chương trình “Giọng hát Việt nhí” trên VTV3 với cô giáo ở nhà, chợt cô reo lên: “A… Thằng bé Xuân Bách đang hát là học trò của em”. Tôi nghi ngờ cười: “Đừng thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhân chuyện ấy, chúng tôi nghĩ về việc phát hiện năng khiếu và định hướng giáo dục cho học sinh. 

                
      
Em Mai Xuân Bách thể hiện xuất sắc hit của    Rihanna tại “Giọng hát Việt nhí” mùa 1. Ảnh minh họa

Học sinh vượt thoát chương trình

Khi theo dõi phỏng vấn, chúng tôi mới tin đích xác “ca sĩ nhí” Xuân Bách (14 tuổi) là học trò của cô giáo, học Trường THCS NT. Sáng hôm sau cô giáo lên trường hỏi giáo viên dạy môn âm nhạc nhận xét như thế nào về em Bách, giáo viên âm nhạc nói “cũng bình thường” như những học sinh khác, và giáo viên chủ nhiệm cũng không biết em Bách đã dự thi “Giọng hát Việt nhí” trên VTV được khán giả cả nước hâm mộ. 

Vừa rồi ngồi với một hiệu trưởng và bốn giáo viên, chúng tôi kể lại chuyện trên để nói về năng khiếu và sở thích. Hiệu trưởng cười, nói rằng, một hôm anh nhận được lá thư của cậu học trò,  một học sinh học lực trung bình, có môn học yếu, gần như em chẳng thích học môn nào, chỉ trừ môn tin học. Trong thư em viết: “Tại sao mỗi người vào đời chỉ làm có một nghề nào đó, mà ở trường lại bắt bọn em phải học đến 13, 14 môn, môn nào thầy cô cũng yêu cầu phải học thật chăm, thật giỏi, không chăm không giỏi thì bị la mắng”. Anh nói đang dự kiến để tư vấn cho học sinh khá đặc biệt này, nhưng chưa kịp thì em đã tự ý bỏ học nửa chừng, sau đó tìm hiểu mới hay em bỏ học ở trường để ra ngoài học chuyên mỗi môn tin học, hiện em đã có việc làm ổn định. Một thầy ngồi bên cạnh tham gia, nói rằng trường anh có một học sinh rất khó khăn về kinh tế, đi học với một tâm thế thấp thỏm, ảnh hưởng rất lớn đến học tập, nhưng lại rất năng nổ và thích thú sinh hoạt văn nghệ; một số thầy cô phát hiện em có năng khiếu về ca nhạc, nhưng chưa biết tìm cách nào để hỗ trợ thì em quyết định bỏ học, vào TP. Hồ Chí Minh, tự mình phát huy năng lực thể hiện niềm đam mê. Bốn năm sau em trở thành quán quân “Giọng hát Việt 2017”, đến nay đã trở thành nhân vật nổi tiếng trong giới ca nhạc, có điều kiện giúp đỡ cho gia đình vượt qua khó khăn. Nhiều tờ báo phỏng vấn, đưa tin với cái tít vô cùng ấn tượng: “Hot boy Ali Hoàng Dương (The Voice)”; “Ali Hoàng Dương trả hết nợ cho gia đình sau đăng quang The Voice 2017”. Nói xong, anh cười: Em sẽ đề nghị hiệu trưởng mời em này về nói chuyện với học sinh trong trường một bữa trên bước đường thực hiện đam mê năng khiếu. Một thầy ngồi đối diện với tôi nói rằng chuyện ấy đâu chỉ riêng ở nước mình, nhân trao đổi chuyện này gợi anh nhớ đến nhân vật Madonna, khi từ giã thành phố Bay – tiểu bang Michigan, để tới New York, không nhà cửa, không bạn bè, chưa có nghề nghiệp, trong ví chỉ vẻn vẹn có 35 đô-la, mục đích là để theo đuổi niềm đam mê và tự thể hiện năng lực của mình,  một sự bức phá dũng cảm, ngoạn mục và cô không chỉ trở thành ca sĩ nổi tiếng ở Hoa Kỳ mà còn lừng danh thế giới. Rồi thầy nói tiếp, chuyện phát triển năng khiếu và sở thích của học sinh còn nhiều lực cản… anh có một học trò đam mê nghệ thuật chơi hoa, nhưng cha mẹ (nhờ cả cô chủ nhiệm) ra sức ngăn cản, định hướng cho em thi vào nha khoa. Nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, em không theo nguyện vọng cha mẹ, mà chuyên tâm nghiên cứu nhân giống trồng các loại hoa lan, hiện em đã thành công và đang mở rộng mối liên kết để xây dựng thương hiệu trên thị trường.   

Có phải lệch hướng chương trình và phương pháp…

Quý thầy trao đổi về đề tài này khá sôi nổi, rồi nhận ra: Suốt thời gian qua, từ Bộ đến các cơ sở trường học, cứ chủ trương hô hào dạy theo hướng phát huy năng khiếu và sở thích cho học sinh, nhưng trong thực tế giáo dục hiện nay chẳng thấy có biện pháp nào cụ thể và rất ít ai có năng lực, cũng như sự chú tâm vào việc phát hiện năng khiếu, sở thích của học sinh. Hoặc có khi phát hiện ra nhưng với chương trình và cách dạy hiện giờ không theo kịp để hỗ trợ cho năng khiếu cá nhân phát triển. Trong công tác chuyên môn ở trường phổ thông, cứ tập trung quan tâm vào việc soạn giảng có đúng chương trình hay không, tỷ lệ cuối năm lên lớp bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp – đậu vào đại học… với những con số thành tích gần như vô hồn như thế trước những đam mê năng khiếu đang nẩy nở muôn chiều tươi mới của cá nhân tuổi trẻ trước cuộc sống hôm nay. Bởi có những học sinh có năng khiếu nhưng thiếu nghị lực và không có sự hỗ trợ, thì suốt đời sẽ bị thui chột, khuất lấp. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Năng khiếu và đam mê