Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Nghỉ hè

20/07/2018, 08:57

BT- Bất chợt đâu đó tiếng ve, thấp thoáng cành hoa phượng đỏ, tự nhiên trong lòng dậy cảm xúc nôn nao: Mùa hè đang đến - với mái trường, thầy cô, học trò, được nghỉ học, vui chơi, trẻ nào không thích. Một cậu học sinh hỏi cô giáo: Có bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, sao không gọi “nghỉ hạ” mà nói “nghỉ hè”.

                
Hãy cho trẻ em một mùa hè đích thực. Ảnh    minh họa

Chuyện vui cô trò

Cô giáo khựng lại, rồi dí tay vào trán học trò: Khỉ lắm nhé, bất ngờ quá đấy, thách thức cả cô nữa ha. Chữ “hạ” () là âm Hán Việt, còn chữ “hè” là âm thuần Việt. Gọi “mùa hạ” hay “mùa hè” cũng giống như nói “xưng danh” hay “xưng tên” thế thôi. Mùa hè là từ tháng 4 đến tháng 6 (theo lịch ta), còn lịch dương định vào ngày 6 tháng 5 đến ngày 8 tháng 8. Trong 4 mùa, hạ (hè) là mùa nắng nóng nhất trong năm, nên nhà trường mới cho sinh nghỉ học vào mùa này để tránh cái oi nồng ngột ngạt trong bốn bức tường phòng học ảnh hưởng đến sức khỏe biết chưa ? Cậu học trò cũng quá quắt, bảo đó là vùng ôn đới hoặc cận nhiệt đới (như miền Bắc nước ta) mới có 4 mùa, chứ mình ở cực Nam Trung bộ, thuộc về khí hậu nhiệt đới Xavan, chỉ có 2 mùa rõ rệt: mưa và khô. Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 9 năm sau, mà sao cũng nghỉ hè giống nhau cô nhỉ? Đúng là cậu học trò “láu cá” thông minh. Cô nguýt yêu: Giỏi địa lý quá ha. Đó là quy định chung, có cái gì mà đáp ứng toàn vẹn đâu, đi mà hỏi ông Bộ. Học trò: Cô nói thế, chứ đi hỏi ông Bộ thì ông Bộ biết hỏi ai bây giờ cô nhỉ! Rồi họ cười khúc khích. Trò nói: Nhưng được nghỉ học mấy tháng vui chơi là thích rồi. Cô lườm: Ở đó mà vui chơi. Ngồi trong quán cà phê buổi sáng, dóng tai nghe cô trò ở bàn bên cạnh nói chuyện, tự thấy mình không lịch sự lắm, nhưng ít khi được nghe cô trò nào mà có cách nói chuyện như thế. Và câu chuyện nghỉ hè cũng động đến nỗi lòng của bất cứ ai đã có một thời đi qua trường lớp. Tôi ấn tượng cái “lườm” và câu nói của cô: “Ở đó mà vui chơi”.

 Mùa hè với thầy cô

Đem chuyện về nói lại với chú em làm hiệu trưởng, chú cười và bảo, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 28 (2009) quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có), chứ thực ra nhiều người làm trong ngành giáo dục đâu có mùa hè. Khi tìm hiểu mới thấy cái lịch hè dày đặc công việc: bế giảng năm học thì tập trung vào coi và chấm các kỳ thi: THPT quốc gia – tuyển sinh vào đại học, vào trường THPT chuyên, THPT không chuyên – hết tháng 6, tháng 7. Tháng 8 xếp lịch học các chuyên đề chuyên môn, chính trị, chuẩn bị cho năm học mới. Hết hè! Đó là chuyện giáo viên.

 Mùa hè với tuổi trẻ

Hôm qua, tôi đến thăm và rủ anh bạn đi chơi Tây Nguyên mươi ngày, ai ngờ anh cũng đưa ra cái lịch mùa hè làm ông nội của anh, bảo rằng con dâu nhờ đưa cháu đi học hè, một đứa lên lớp lá, một đứa lên lớp ba, nên đi chơi dài ngày khó quá. Tôi nói tuổi ấy mà học hè cái gì ! Anh nói chúng nó bắt học hết, lớp lá đi học đánh vần chữ, học số; đứa lớp ba học toán, học tiếng Anh. Rồi anh đệm thêm một câu: Đưa đến lớp nhờ cô giáo trông hộ tốt hơn để chúng ở nhà. Sáng nay tôi gọi điện cho thằng em dạy môn Vật lý: Hè rồi, đi uống cà phê, anh có tí chuyện muốn bàn. Nó bảo kẹt quá anh ơi, lớp ôn thi đại học khai trương cả tuần nay rồi ! Phụ huynh thúc giục không chịu nổi – rồi cười ha hả trong máy.

 Học thế mà sao không kịp người ta(*) 

Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy tổ chức sinh hoạt hè nhiều nước có nền giáo dục tiến tiến, như ở Anh (độ tuổi 15 - 17), chủ yếu cho đăng ký tham gia học các môn thể thao như chèo thuyền, leo núi, bơi lội, đi bộ đường dài với các dự án công cộng, kỹ năng sống khẩn cấp; (độ tuổi 5 - 11) tham gia vào các buổi đào tạo bóng đá... New Zealand cũng thế, học và thực hành những môn thể thao mới, tổ chức huấn luyện học sinh chơi golf… Ở Australia, nhà trường luôn tận dụng mùa hè kêu gọi học sinh của mình phải có trách nhiệm với văn hóa và môi trường bằng các hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Ở Mỹ, học sinh được nhà trường tạo cơ hội tối đa bằng việc phát triển các chương trình ngoại khóa kết hợp vui chơi và học tập hấp dẫn. Phần Lan, vì thời tiết, khí hậu, nên có rất nhiều kỳ nghỉ trong năm, khi trẻ lên 7 mới đi học chính thức, nhưng là nước có nền giáo dục dẫn đầu - có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới. Ở ta, hiện nay kế hoạch hoạt động hè ở nhiều trường như thế nào để đem lại ý nghĩa thiết thực của kỳ nghỉ hè với học sinh vẫn chưa rõ nét - chỉ thấy đi học thêm, học trước chương trình.

Võ Nguyên

(*) Nguồn: https://vnexpress.net/tin; https://nld.com.vn; interedu.com.vn; 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Nghỉ hè