Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Phát triển văn hóa đọc trường học

23/03/2018, 09:08

BT- Xây dựng nền văn hóa đọc nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy, tăng cường sở thích, kỹ năng đọc cho mỗi cá nhân trong cộng đồng có thói quen đọc suốt cuộc đời để nâng cao dân trí là một hoạt động thiết thực, nên phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, trước khi đến trường, điều này do các bậc cha mẹ thực hiện, khi đi học cũng như khi vào đời là quá trình rèn luyện các kỹ năng đọc. Trên thực tế, mặt bằng văn hóa đọc ở nước ta còn quá thấp. Dựa vào kết quả nghiên cứu của Central Connecticut State University (CCSU), một trường đại học ở Mỹ, công bố vào tháng 10/2016, đưa ra bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất thế giới, cho thấy Việt Nam không nằm trong top 61 này. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng: Singapore (hạng 36), Malaysia (hạng 53) và Indonesia (hạng 60)...(1).

                
Văn hóa đọc góp phần hình thành nhân cách    học sinh. Ảnh minh họa

Từ chủ trương đến thực hiện

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, mầm non, để học sinh – người dân nói chung có điều kiện học tập suốt đời, yêu cầu các sở GDĐT triển khai đến tất cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh ở các bậc học.

Triển khai chủ trương này nhiều trường học thực hiện khá tích cực, bước đầu đã tạo được không khí về tinh thần đọc sách trong học sinh, nhưng rộ lên được thời gian, như tổ chức thư viện xanh, giỏ sách – báo di động,… rồi lại lắng xuống. Cần có khảo sát, đánh giá khoa học để có biện pháp thiết thực thúc đẩy tinh thần đọc sách của học sinh được duy trì và phát triển liên tục, để đem lại hiệu quả lợi ích lâu dài.  

Trên tinh thần đó, vào học kỳ II năm học 2017 – 2018, Trường THPT Ngô Quyền – Phú Quý xây dựng kế hoạch triển khai đọc sách của cho học sinh lớp 10. Trường xếp lịch đọc sách theo thời khóa biểu cố định vào các buổi chiều từ thứ 3 đến thức 6 trong tuần, kết hợp trong các buổi học thể dục và quốc phòng. Có thể xem đây là cách thể nghiệm buộc học sinh phải tiếp cận với sách của thư viện. Thật ra biện pháp này một số trường ở các thành phố lớn trong nước đã thí điểm, đưa vào môn văn hóa đọc(2), như Trường THPT Phan Huy Chú, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội… vừa mang tính động viên, vừa có tính bắt buộc. Bởi lâu nay học sinh rất lơ là với thư viện, sau buổi tan trường, thời gian còn lại đa số lang thang, la cà hàng quán, tiệm game… lãng phí thời gian, kiến thức nông cạn, trình độ văn hóa thấp kém, lại để xảy ra những hiện tượng tiêu cực nguy hiểm. Một trường ở huyện đảo như THPT Ngô Quyền có những cố gắng như thế là đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc đưa học sinh đến thư viện đọc sách cũng hết sức lưu ý về tâm lý giáo dục. Bởi xây dựng tâm thế giờ đọc sách khác với giờ học trên lớp, đặc biệt là nguồn sách phải nhiều chủng loại phù hợp với nhận thức và tâm lý của từng đối tượng, từng lứa tuổi, có thế mới tạo được sự gặp gỡ, đồng cảm, tò mò, khám phá và đam mê từ sách. Việc xếp lịch cho học sinh 3 lớp khối 10: A4, A5, A6 vào tiết 1 đầu buổi chiều là khoảng thời gian dễ bị ức chế, mà ức chế thì mở sách ra cũng bằng không. 

Chúng tôi nhận thấy xây dựng mô hình học sinh đọc sách ở Trường THPT Phan Thiết hiện nay bước đầu có hiệu quả lan tỏa. Trường chuẩn bị sách cho học sinh đọc từ 4 nguồn: Sách thư viện trường mua, tủ sách “Từ gia đình đến học đường” - huy động thầy cô chọn những sách hay cho mượn, liên kết với Thư viện tỉnh mượn sách cho học sinh (năm học 2017 - 2018 mượn 400 cuốn) và nguồn sách nữa là của học sinh mua đọc xong tặng lại cho trường. Nhân viên thư viện phối hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi kết quả đọc sách của học sinh theo tuần, tháng, quý để nhà trường biểu dương, khen. Đặc biệt là phòng tư vấn tâm lý của trường nhiều năm nay đã hướng dẫn cho những học sinh rèn luyện trong hè đến trường đọc sách. Nơi đây đã làm chuyển hóa giúp nhiều em bây giờ thành đạt, hằng năm viết thư hoặc có dịp về thăm lại trường xưa để thể hiện lòng biết ơn. 

Thực trạng không thể bỏ qua

Chúng tôi đề cập đến vấn đề này bởi hiện nay cá biệt có một số cánh cửa thư viện trường học đang khép lại. Thậm chí có trường còn đối phó, khi nghe cấp trên về kiểm tra thì lấy một phòng học dọn dẹp tinh tươm, có cả lọ hoa, quạt máy, bày biện phòng đọc, nhưng khi đoàn rút đi, sách lại về yên ngủ trong kho. Nếu tin ở thực trạng này, Công ty Sách – Thiết bị trường học thử kiểm tra đột xuất không báo trước để xem. Trong khi hiện nay, nhiều trường xây dựng thư viện điện tử song song với thư viện sách giấy để tạo mọi điều kiện giúp học sinh tiếp cận với tri thức nhân loại. Thiết nghĩ, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần có tiết thư viện trong tất cả các cơ sở trường học. Có một điều, muốn duy trì được tinh thần đọc sách ở học sinh trong trường, từ hiệu trưởng đến giáo viên cũng đều phải đọc làm gương trước. Không biết lâu nay, mỗi năm thầy cô đọc được bao nhiêu cuốn sách?

Võ Nguyên

 (1): www.chungta.com – TS Trần Đức Sơn, Viện Nghiên cứu PT KTXH Đà Nẵng.

(2): Trong chương trình chính khóa giáo dục phổ thông hiện hành chưa có bộ môn này.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Phát triển văn hóa đọc trường học