Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Thắc mắc và học theo

28/12/2018, 08:45

 Khát vọng con người

BT- Khi trẻ ra đời, thế giới chung quanh với chúng đều xa lạ, luôn tò mò, muốn tìm hiểu. Từ thời hồng hoang, con người cũng luôn thắc mắc, muốn khám phá. Họ không biết tại sao có đất có trời, nhưng khoa học chưa phát triển, họ phải tự tìm cách lý giải, thần thoại “Thần Trụ Trời” ra đời; tại sao có con người? Lại có truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”. Trong tôn giáo, chuyện Adam và Eva cũng thế. Khao khát muốn khám phá, tìm hiểu đó là điều hiển nhiên mang tính quy luật của con người. Nên cần hết sức trân trọng và khuyến khích những thắc mắc, tò mò của trẻ con. Vì đó là “một dụng cụ quan trọng mà thiên nhiên cung cấp để đánh tan sự dốt nát mà ta có khi sinh ra đời,  không có tính tò mò sẽ làm chúng ta trở nên những con người đần độn và vô ích”(1). Nên sự gạt phăng đi cho xong chuyện của ông, bà, cha, mẹ (trong gia đình), của thầy cô (trong trường, lớp) với những câu hỏi tò mò, thắc mắc của trẻ con là một hiện tượng sai lầm và nguy hiểm trong giáo dục. Nhiều khi câu hỏi của trẻ ngỡ như hết sức ngớ ngẩn - trẻ con làm sao cho chuẩn xác - cũng nên tìm cách giải đáp. Giải thích sao cho thật đơn giản dễ hiểu nhất với nhận thức của lứa tuổi. Nếu dựa vào sự ngớ ngẩn ấy mà châm chọc, phiền hà là một hành vi hủy hoại khát khao tìm hiểu, khám phá nhận thức thế giới chung quanh của trẻ, cản trở sự phát triển tư duy cá nhân về sau. Khi được người lớn lắng nghe và giải thích thỏa đáng câu hỏi sẽ là động lực thúc đẩy cho trẻ ham muốn tìm hiểu trong học tập. Tôi nhớ có lần đến nhà  người em họ ở nông thôn, chú em đi vắng, chỉ có hai đứa con ở nhà đang học bài. Thằng anh học lớp 10, đứa em gái học lớp 2. Đứa em hỏi: Sao mặt trời lên lại nóng mà mặt trăng lên lại mát hả anh? Ngỡ anh sẽ lúng túng. Ai ngờ thằng anh vào trong bếp gắp ra một cục than củi thật to đang cháy, nói: Mặt trời là một cục lửa thế này mà to ghê lắm, làm sao không nóng. Đứa em trố mắt: À, à… Sau khi bỏ than lại vào bếp, nó lấy một tấm gương soi, đứng ngoài sân nắng chiếu lên tường, bảo em nó sờ tay lên vùng sáng phản chiếu, hỏi có nóng không? Em nó toét miệng cười: Không, làm sao nóng được. Nó nói: Mặt trăng như tấm gương đấy, biết chưa? Thế là hai anh em cười hể hả với nhau. Tôi ngồi quan sát, thấy rất vui và khâm phục, hỏi ai bày cho cháu cách giải thích như vậy? Nó nói tự nghĩ ra, có làm như thế em con mới hiểu. Dĩ nhiên đứa em sau này học cao lên sẽ hiểu thêm về mặt trăng, mặt trời, về vũ trụ.

                
Ảnh minh họa

 Tiên trách kỷ (2)

Đặc điểm của trẻ con khi tiếp xúc với thế giới chung quanh là tò mò, thắc mắc và luôn làm theo người lớn. Ngay từ lúc còn nằm nôi, chúng đã luôn háo hức nhìn, quan sát và lắng nghe tất cả những gì đang diễn ra – nhất là hành vi và lời nói của những người hàng ngày tiếp xúc gần gũi với chúng và chúng sẽ bắt chước làm theo. Cho nên hành vi và lời nói của người lớn với trẻ con vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục để cho trẻ hình thành và phát triển nhân cách về sau. Tại sao trẻ nói tục, bởi vì từ nhỏ chúng đã chứng kiến nghe người lớn chửi thề, nói tục. Tại sao trẻ ương ngạnh, bướng bỉnh, mất nết… bởi chúng đã từng chứng kiến những hành vi và lời lẽ thô tục ngay trong gia đình, có khi của cha nó đối xử với mẹ, hay của mẹ nó đối với cha, hoặc của người lớn hàng xóm, láng giềng… đã ăn sâu vào tiềm thức và tình cảm của chúng. Khi đến tuổi bước vào lớp học, chúng mang những gì vô văn hóa đó để ứng xử với bạn bè, thây cô. Còn tệ hại hơn nữa là hành vi mất nết, nói tục đó rất dễ lan truyền và nhanh chóng ảnh hưởng đến bạn bè trong lớp học theo.

Chúng tôi muốn trao đổi rằng, những gì trẻ sai phạm (về hạnh kiểm) không hoàn toàn đổ lỗi do nhà trường, mà trước tiên xem cách giáo dục từ trong gia đình của các cháu.

Võ Nguyên

(1): Vài suy nghĩ về giáo dục – John Locke – đã chú thích ở bài “Ngỡ thấp là nhẹ”. (2): Thành ngữ cổ có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (ý là: những lỗi lầm, sai trái xảy ra đều có nguyên do, nhưng trước tiên phải nhìn nhận lại bản thân mình, sau đó mới nói đến người khác).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Thắc mắc và học theo