Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Thật thà và trách nhiệm

18/01/2019, 09:19 - Lượt đọc: 54

BT- Tình cờ chúng tôi gặp nhóm thầy giáo ngồi trao đổi chuyên môn, rồi tỏ ra lo lắng biện pháp giáo dục kỹ năng sống nhân chuyện một ông PGS TS nói về văn hóa – phép lịch sự người Tràng An (Hà Nội). Chuyện kể, khi ông chạy xe trên đường, một thanh niên trạc tuổi hàng con cháu, lách xe vượt ẩu, va vào xe ông, không biết sai, lại còn sửng cồ lên tiếng hăm dọa ông, nên PGS TS mới than thở: Văn hóa người Tràng An đâu rồi! Chúng tôi nói hành vi, thái độ của anh trẻ kia không đổ lỗi hết cho nhà trường.

                
      
Để phát triển giáo dục vững chắc trước tiên    phải đầu tư cho giáo dục bậc mầm non và cấp tiểu học. Ảnh minh họa

Quan trọng tạo lập thói quen

Từ câu chuyện trên, một thầy quay sang tôi nói, có đọc bài “Ngỡ thấp là nhẹ” trên Bình Thuận cuối tuần số 6176, thấy ý kiến chúng tôi đưa ra “phải có kế sách chương trình bắt buộc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho phụ huynh trong giáo dục trẻ”, nghe sao có vẻ chung chung còn xa vời nữa. Thầy nói “xa vời” bởi cho rằng khoanh vùng học sinh trong trường học để dạy mà chưa gánh hết, giờ lại đặt ra chuyện “giáo dục cho phụ huynh” là sao. 

Tôi trao đổi lại, muốn đặt nền tảng cho sự phát triển giáo dục vững chắc trước tiên phải đầu tư cho giáo dục bậc mầm non và cấp tiểu học, đây là đối tượng giáo dục gắn kết chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường hơn bất cứ bậc học nào. Ở lứa tuổi này, gia đình là môi trường và yếu tố quan trọng nhất để tạo lập hình thành cho trẻ thói quen, trở thành nền nếp, tự giác ngay từ buổi ban đầu. Từ thói quen giờ giấc, ngăn nắp, vệ sinh, hướng đến từng bước cho trẻ biết nhận thức đúng sai, việc cần làm và không nên làm, biết hãnh diện và xấu hổ, biết lịch sự cảm ơn và xin lỗi. Thực trạng hiện nay biết bao cha mẹ chỉ biết lo chuyện áo cơm còn lại phó mặc con mình phát triển một cách “hoang dã”, ra sao thì ra, khi đến tuổi đưa đi học lại phó mặc cho nhà trường, chưa nhận thức được tầm quan trọng về môi trường giáo dục gia đình. 

         
         Nếu thầy cô không nghiêm khắc, thiếu công bằng, chiều theo ý phụ    huynh, nâng điểm cho học sinh đạt danh hiệu học lực - đúng ra sức    học tụt rớt xuống thấp lại tìm cách để nâng lên cao, điều đó sẽ đẩy    chúng trượt vào “niềm kiêu hãnh ảo”, chung sống với giả tạo.

Gia đình giáo dục con cháu có vô vàn số việc để làm, nhưng khi con bắt đầu biết nhận thức, hai điều cốt lõi trước tiên là phải theo dõi mọi diễn biến đến với trẻ để hình thành cho được tính thật thà (trung thực) và trách nhiệm đối với bản thân. Ví như con nghịch ngợm chạy nhảy, xô đẩy, bị kẹp tay vào cánh cửa, khóc thét lên - trước tình huống ấy cha mẹ nào không hốt hoảng, xót thương, lo lắng, nhưng phải có cách để cho trẻ biết rằng tay nó bị cửa kẹp đau đến như vậy là do nó làm ra, chứ không do cánh cửa. Thế nhưng nhiều khi cha mẹ không tập cho con bản tính tự làm tự chịu, để nó biệt sợ, về sau cẩn thận mỗi lần khép, mở cửa, mà lại lấy que đánh vào cánh cửa như để trị tội - lỗi này là do cánh cửa gây ra (tại mày - cửa nhé, làm cho con tao đau này, đánh mày này...) để dỗ cho con nín. Ngỡ chuyện bình thường, nhưng đó chính là những ấn tượng ban đầu ăn sâu - in đậm trong nhận thức của trẻ, tạo cho nó thói quen xem bất cứ chuyện gì xảy ra làm cho mình đau đớn, khổ sở đều do kẻ khác, tạo cho chúng thói quen đổ lỗi như thế, rồi dần lớn lên chúng không bao giờ chịu nhận những điều sai trái về mình. 

Cần có kế sách giáo dục cộng đồng

Kết hợp giáo dục tính trung thực và trách nhiệm giữa gia đình với nhà trường phải đồng bộ. Khi giáo dục gia đình đối lập với nhà trường, mỗi bên làm một cách, sẽ không bao giờ đạt được kết quả mong muốn trong giáo dục nhân cách cho trẻ. Hoặc khi hai bên đồng thuận với nhau nhưng mục đích đồng thuận đó không gắn với giáo dục trung thực sẽ tác hại vô cùng. Trong học tập, cha mẹ không theo dõi con mình xem những mặt yếu kém nào và có được năng khiếu gì để nhờ thầy cô trợ giúp, phát huy, mà cứ luôn tìm cách chạy chọt cho con mình được xếp hạng cao hơn con người khác. Nếu thầy cô không nghiêm khắc, thiếu công bằng, chiều theo ý phụ huynh, nâng điểm cho học sinh đạt danh hiệu học lực - đúng ra sức học tụt rớt xuống thấp lại tìm cách để nâng lên cao, điều đó sẽ đẩy chúng trượt vào “niềm kiêu hãnh ảo”, chung sống với giả tạo. Khi thành thói quen, về sau chúng không còn biết đến nhân cách, sĩ diện là gì, xem những thành tích ảo với chúng là chuyện đương nhiên, thừa nhận những điều không trung thực đang diễn ra là bình thường, sẵn sàng sống với bầu không khí giả tạo đó, chắc chắn khi vào đời chúng sẽ mất tư cách, thiếu trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, với tổ quốc.

Chúng tôi nêu việc cải cách giáo dục song song với xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cần phải có kế sách - tầm nhìn để xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng - đến với từng gia đình, từng công dân về cơ sở giáo dục ban đầu cho trẻ là thế. Nếu tạo lập được đức tính thật thà (trung thực) và trách nhiệm, không dối trá, không đổ lỗi cho kẻ khác để chạy tội cho mình ngay từ nhỏ thì lòng tự trọng của trẻ được nâng lên, không còn lo ngại về tinh thần, thái độ học tập của trẻ về sau.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Thật thà và trách nhiệm