Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Thấy gì từ dự thảo tuyển sinh 2018

02/03/2018, 09:33

BT- Kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2017 với những hiện tượng không bình thường đã tạo ra nhiều dư luận bức xúc không tốt đẹp trong công chúng, nhất là việc tuyển sinh ngành sư phạm, nên kỳ thi năm 2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Những điểm mới

Theo dự thảo công bố vào ngày 9/2/2018, so với Thông tư số 05 ngày 25/01/2017 của GDĐT, có 8 điểm mới: 1. Hạ khung điểm ưu tiên, 2. Chỉ quy định điểm sàn với ngành sư phạm, 3. Xét học bạ vào đại học sư phạm: Thí sinh phải đạt học lực giỏi, 4. Ngành sư phạm mở rộng điều kiện tuyển thẳng với học sinh trường chuyên, 5. Điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân, 6. Trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm, 7. Thí sinh đạt giải về mỹ thuật được ưu tiên, tuyển thẳng, 8. Trường cập nhật và công bố danh sách thí sinh trúng tuyển. Trong đó, chúng tôi thấy có 3 điểm: 3, 4 và 6 cần phải xem xét cẩn trọng.

Từ thực trạng điểm tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm năm 2017 quá thấp, gây nhiều tai tiếng, để lại mối quan ngại rất lớn đối với một sự nghiệp được xem là quốc sách hàng đầu, nên năm nay tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên mở hướng để khích lệ thu hút nhằm nâng cao chất lượng bằng cách dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở phổ thông, căn cứ vào xếp loại học lực lớp 12, tuyển vào đại học với những thí sinh có học bạ lớp 12 xếp loại học lực giỏi, vào cao đẳng xếp loại học lực từ khá trở lên. Rồi mở rộng việc tuyển thẳng học sinh trường chuyên của các tỉnh vào ngành phù hợp với môn chuyên hoặc các môn đạt giải với điều kiện: Thí sinh có 3 năm học trung học phổ thông chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

 Mới nhưng không mới, cần cảnh báo

Cách nâng cao chất lượng để tuyển sinh đầu vào như thế thấy không đánh giá đúng thực chất ở nhiều điểm: Việc xét điểm xếp loại học lực trong học bạ lớp 12 những năm qua là không thực chất, bởi đã xảy ra hiện tượng nâng điểm không đúng trình độ thực học của học sinh. Hiện tượng này đã được cảnh báo, thế sao Bộ GDĐT không lắng nghe mà vẫn tiếp tục duy trì những sai lầm mắc phải như vậy, còn xem đó là biện pháp nâng cao chất lượng. Việc mở rộng tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng với đối tượng học sinh trường chuyên đạt 3 năm học sinh giỏi về học lực, nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng thực tế có những học sinh đam mê và có năng lực học giỏi thực sự một môn nào đó nhưng không được xếp học lực loại giỏi, lại không được tuyển, trong khi thế giới khoa học và giáo dục đang đi vào chuyên sâu, việc đào tạo phát huy năng khiếu – sở trường, niềm đam mê bộ môn của từng cá nhân hết sức cần thiết và quan trọng để cạnh tranh và lan tỏa trong tương lai. Ngược lại cũng không tránh khỏi hiện tượng nâng điểm để xếp học lực loại giỏi. Nên biện pháp này thấy chưa thật thỏa đáng.

Dự thảo lần này, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh. Không rõ Bộ đưa ra yêu cầu thống kê sinh viên ra trường có việc làm hay thất nghiệp nhằm mục đích gì đối với việc tuyển sinh mới, trong khi đó không ít sinh viên ra trường tìm được việc làm, có em làm việc trong biên chế nhà nước, có em làm việc ở các công ty – doanh nghiệp tư, không đúng với chuyên môn được đào tạo ở đại học. Mặt khác, liệu con số thống kê của các trường có hoàn toàn đầy đủ và chính xác? Nếu không, Bộ có thật sự đóng cửa tuyển sinh đối với những trường đại học ấy hay không?

Thiết nghĩ, ở tầm quốc gia cấp Bộ, nên có định hướng toàn cục nhưng trong chỉ đạo cần phải thiết thực, như đối với đại học, cao đẳng, nên đặt chỉ tiêu số lượng và chất lượng đầu ra, xem đó là điều quan trọng, chứ không khống chế đầu vào mà buông lỏng đầu ra như hiện nay.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Thấy gì từ dự thảo tuyển sinh 2018