Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Trèo lên cây bưởi làm chi

03/05/2019, 08:13

BT- Hơn 20 năm mới gặp lại anh, nhắc chuyện ngày xưa chúng tôi có dự anh dạy mấy tiết, nhớ giảng bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” (trong chùm ca dao than thân), cái ngày mà “sách giáo viên” được xem như “kim chỉ nam” cho giáo viên đứng lớp, nhưng anh thì ngược lại, thường gợi cho học trò tìm cách hiểu khác đi.

                
Ảnh minh họa.

 Thường hay quy kết

Trong sách “Giáo viên Văn 10” yêu cầu hướng dẫn cho học sinh cảm nhận: “Nội dung chính của bài ca dao mà ta đang tìm hiểu ở đây là tâm trạng buồn tiếc của một cô gái có chồng rồi mới gặp gỡ quen biết một người con trai đem lại hạnh phúc tình yêu cho cô”. Rồi hướng dẫn phân tích tiếp, nhằm lên án luật lệ khắt khe về hôn nhân đối với phụ nữ trong chế độ phong kiến, khi “cô đã có chồng” thì “vĩnh viễn thuộc về người chồng này (…) vĩnh viễn không được tự do”, cô “như chim đã vào lồng” như “cá đã cắn câu”. Vậy nên cô gái mang “một tâm trạng nhuốm màu sắc tuyệt vọng”. Anh gợi ý học trò đọc kỹ bài ca dao tìm có chỗ nào nói “tâm trạng buồn tiếc”, “tuyệt vọng” và “người con trai đem lại hạnh phúc tình yêu cho cô” không ? Thế là thầy trò đi vào tranh luận, để thống nhất kết lại.

 Hướng gợi mở tư duy phản biện

Bài: “Trèo lên cây bưởi hái hoa,/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân./ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,/ Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!/ - Ba đồng một mớ trầu cay,/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng,/ Như chim vào lồng, như cá cắn câu./ Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,/ Chim vào lồng, biết thuở nào ra?” là bài ca dao đối đáp, khổ đầu lời chàng trai, khổ sau lời cô gái. Ba câu đầu vừa mang thể phú xen hứng, cùng mô tuýp như “Hôm qua tát nước đầu đình”, “Trên trời có đám mây xanh”… vòng vo thế chẳng qua là cái cớ, để đến câu thứ tư chủ thể trữ tình mới thực sự bộc lộ: “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!”. Tiếc là quyền của anh, có ai ngăn cấm, bởi trên cõi đời này, chuyện trai gái lứa đôi, có biết bao nhiêu người cũng đã từng buồn tiếc như anh.

Trước tình cảnh ấy, cô gái rất tế nhị: “Ba đồng một mớ trầu cay,/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”. Ngày em chưa lấy chồng sao anh không đến? Em đâu có ham chốn giàu sang, cũng không phải loại người đi thách tiền cưới, tiền cheo. Đến với em có khó gì, chỉ “ba đồng một mớ trầu cay” – là loại rẻ tiền kia đấy! Chỉ nhẹ nhàng, đơn giản thế thôi, lẽ nào anh không làm nổi!? Một câu hỏi mà ngầm trách, sao anh kém đến như vậy, hay là anh đang vẽ chuyện. Nhưng cô không triển khai đối đáp theo hướng ấy, mà nêu thực trạng của mình đã vào khuôn phép, “như chim vào lồng, như cá cắn câu”. “Chim vào lồng”, “cá cắn câu” là hình ảnh ví von để ngầm tỏ thái độ dứt khoát, duyên phận của em như thế là đã yên bề gia thất, chắc chắn rồi, giống như “chim vào lồng”, như “cá cắn câu”, không thay  đổi được nữa đâu. Nhưng nếu cô nói “toạc móng heo” ra, muộn quá rồi, đừng hy vọng gì ở em, vô ích, về đi anh, cách nói vỗ mặt như thế thấy khá phũ phàng, nên ở đây cô tự đặt mình vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn, “biết đâu mà gỡ”, “biết thuở nào ra” để chàng trai phải tự biết lấy –  chứ không phải đó lời than thở của cô. Rõ ràng là một lời từ chối rất khéo, buộc người nghe phải cảm thông mà chấp nhận, không để mất lòng ai.

Như vậy bài ca dao có nói gì đến “người con trai đem lại hạnh phúc tình yêu cho cô” hay “tâm trạng buồn tiếc”, “nhuốm màu sắc tuyệt vọng” của cô gái đâu. Nếu “buồn tiếc” thì cũng chỉ “buồn tiếc” cho anh, tiếc hộ cho anh mà thôi. Sự ứng xử của người phụ nữ Việt Nam xưa thường là thế, nhẹ nhàng, tế nhị, đáng yêu; từ chối dứt khoát lời tỏ tình để khẳng định lòng thủy chung mình mà không làm phật lòng người ta. Thế mới tài, mới đẹp, mới hay. Thầy giáo hỏi có em nào thể đặt được nhan đề cho bài ca dao, một nữ sinh đứng dậy: Thưa thầy, theo em nhan đề là: “Trèo lên cây bưởi làm chi”. Thầy trố mắt, cho lớp trao đổi, rồi khen: Sao nghĩ được hay vậy, nhan đề có nhiều hàm ý. Rồi nói như dặn dò, bài ca dao cũng chẳng thấy chỗ nào nói gì “luật lệ khắt khe về hôn nhân”, đâu phải cái gì cũng quy vào lên án cha ông ta xưa. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Trèo lên cây bưởi làm chi