Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Nhờ hỗ trợ, giáo dục vùng dân tộc thiểu số phát triển

06/06/2018, 09:26 - Lượt đọc: 60

BT- Hàm Thuận Bắc có 13.290 người dân tộc thiểu số, chiếm 7,6% tổng dân số toàn huyện và trên 75% dân số sống bằng nghề nông. Trong đó dân tộc K’ ho sinh sống tại 3 xã vùng cao La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến; dân tộc Rắc lây sống ở 2 thôn xen ghép Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, thôn Ku Kê, xã Thuận Minh; dân tộc Chăm sống ở 3 thôn Lâm Giang, xã Hàm trí, Lâm Thuận, xã Hàm Phú, thôn 3, thị trấn Ma Lâm. Toàn huyện có 85 trường học các cấp, với 1.137 lớp/32.984 học sinh, gồm 25 trường mầm non, 42 trường tiểu học, 18 trường THCS và có 3.245 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 9,83%.

Từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Thông qua các nguồn vốn, các chương trình từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng, sửa chữa hàng chục phòng học kiên cố và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường miền núi, vùng dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 36,37 tỷ đồng, như: Xây dựng 16 phòng học và 10 phòng ký túc xá khu B của Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; 4 phòng học mẫu giáo của 2 xã Đông Giang, Đông Tiến; 6 phòng học của Trường TH Lâm Giang và Trường TH Lâm Thiện. Nhờ có thêm phòng học mới nên số trường dạy học 2 buổi/ngày đã tăng lên 22 trường/42 trường tiểu học, trong đó có 6 trường/8 trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, Sở Giáo dục - Đào tạo đã trang bị đồ chơi ngoài trời, đàn Organ cho 5 trường mẫu giáo vùng cao, miền núi và mua sắm 90 máy vi tính cho 5 trường THCS vùng cao, miền núi. Hội Khuyến học tỉnh đã hỗ trợ 2 bếp ăn cho Trường mẫu giáo Đông Giang, La Dạ và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch cho 7 trường vùng cao, miền núi. Riêng Trường PTDTNT huyện được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kiên cố, khang trang, với 8 phòng học cho học sinh học tập, 7 phòng học bộ môn, có khu hành chính hiệu bộ, khu phòng chức năng, 2 khu ký túc xá A, B (35 phòng) và 1 nhà đa năng phục vụ cho hội nghị, các sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Trường PTDTNT huyện đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2014.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số, như: Hỗ trợ tiền ăn bán trú cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi (tiền ăn trưa 120.000 đồng/trẻ/tháng), với tổng số tiền trong 6 năm là 3,388 tỷ đồng. Thực hiện chính sách đối với học sinh các trường dân tộc nội trú, với mức 1,04 triệu đồng/em/tháng, nên hàng năm huyện đã chi trả từ 2,5 - 2,7 tỷ đồng cho học sinh dân tộc nội trú. Trong 7 năm toàn huyện có 11.412 lượt học sinh của 3 cấp học được nhận chế độ hỗ trợ học tập, với tổng số tiền 13,46 tỷ đồng và các trường THCS đều được hỗ trợ kinh phí để mua sách giáo khoa cho học sinh.

    
    Năm học 2016 -   2017, học sinh dân tộc thiểu số tại các trường tiểu học lên lớp thẳng   đạt 98,34% và các trường THCS lên lớp thẳng đạt 94,76%. Học sinh dân tộc   thiểu số tại các trường THCS chỉ có 1 em bỏ học giữa chừng.

T.Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Nhờ hỗ trợ, giáo dục vùng dân tộc thiểu số phát triển