Theo dõi trên

Hiệu quả từ “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”

05/08/2020, 09:36

BT - Sau 5 năm (2016  - 2020) thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” (LTLTT), diện mạo nhiều trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh được thay đổi đáng kể để mỗi trẻ đều có cơ hội được học bằng nhiều cách khác nhau, thỏa sức sáng tạo riêng của mình.

Đổi thay trường mầm non miền núi

Trường mẫu giáo Phong Phú thuộc xã Phong Phú (huyện Tuy Phong) là điểm trường nằm ở vùng miền núi trong diện khó khăn. Trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ nằm rải rác trên 7 thôn, mỗi điểm cách nhau khá xa từ 3 - 7 km, trong đó có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm và Rắc Lây theo học. Thời điểm cách đây 2 năm, các điểm trường này chủ yếu mượn nhà công cộng hoặc trường tiểu học cũ đã dời đi để làm cơ sở giảng dạy. Do đó, điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, lớp học tạm bợ, nhất là trường chưa thực hiện bếp ăn bán trú nên trẻ phải tự mang cơm từ nhà đến lớp để ăn.

Năm học 2017 – 2018, Trường mẫu giáo Phong Phú được Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chọn làm điểm để triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non LTLTT”. Việc đầu tiên nhà trường bắt tay thực hiện là đầu tư cơ sở vật chất trên tinh thần xã hội hóa. Nhà trường đã huy động tất cả các nguồn lực, từ sự đóng góp của phụ huynh đến lực lượng công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên tại địa phương đến ủng hộ ngày công hoặc ai có gì góp đó như đất, sỏi, xi măng… để tôn tạo lại các điểm trường. Từ đó, khuôn viên, sân chơi được cải tạo, nâng cấp bằng bê tông hóa và có nhiều cây xanh. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch lại tổng thể hơn và tận dụng tối đa không gian cho trẻ hoạt động phù hợp. Trang bị đồ dùng đồ chơi trong và ngoài lớp học, nhất là đồ chơi tự làm phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, mang tính mở đáp ứng với nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ. Cùng với đó, nhà trường tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng LTLTT. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình trải nghiệm tại góc sân trường như khu trở về tuổi thơ, hoạt động nhóm, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học để tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhà trường rất quan tâm tổ chức các hoạt động để trẻ được trải nghiệm, như thăm doanh trại bộ đội biên phòng, tham quan trạm y tế, quầy thuốc, cửa hàng tạp hóa, trải nghiệm cùng thợ cắt tóc, chú thợ mộc, cô thợ may, tham quan vườn trái cây…

Cô Lê Thị Hợp – Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Phong Phú cho biết: Từ một ngôi trường chưa có quỹ đất riêng, các phòng học đều lấy tạm nhà cộng đồng và các trường tiểu học đã chuyển đi, đến nay trường đã có gần 2,5 mẫu đất/5 điểm thôn. Các điểm trường được xây dựng khang trang, có đầy đủ trang thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời, được tài trợ và hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, đơn vị, mạnh thường quân trong và ngoài nước với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện chuyên đề LTLTT đến nay 5/5 điểm trường của Trường mẫu giáo Phong Phú đều khang trang, sạch đẹp, trẻ ra lớp tăng hàng năm, được các cấp, chính quyền địa phương đánh giá cao và được phụ huynh tin tưởng, đồng tình hưởng ứng.

                
Sở Giáo dục - Đào tạo khen    thưởng các tập thể.

Nhân rộng 181 trường mầm non, mẫu giáo

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non LTLTT” giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GD-ĐT, năm học 2016 – 2017, Sở GD-ĐT tỉnh đã chọn TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đại diện cho 2 địa phương có điều kiện kinh tế khác nhau (Phan Thiết điều kiện thuận lợi, Hàm Thuận Bắc điều kiện khó khăn, có nhiều trẻ DTTS) làm điểm triển khai chuyên đề. Những năm học tiếp theo, Sở GD-ĐT chọn thêm 3 điểm trường khác để làm điểm thực hiện chuyên đề này gồm: Trường mầm non Bông Sen, mẫu giáo Phong Phú (huyện Tuy Phong), Trường mầm non Hoa Hồng (thị xã La Gi). Cùng với đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục  LTLTT trong các cơ sở giáo dục mầm non” đến 10/10 đơn vị cấp huyện. Qua đó, sở đã tổ chức đánh giá, lựa chọn được 33 sản phẩm của 10 huyện và đã chọn 3 sản phẩm tiêu biểu nhất gửi về Bộ GD-ĐT dự thi. Đó là các Trường mầm non Tuổi Thơ (Phan Thiết); mầm non Hoa Biển (Phú Quý) và mẫu giáo La Dạ (Hàm Thuận Bắc), cả 3 trường đều được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT tỉnh, qua 5 năm thực hiện chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm”, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục LTLTT. Từ đó có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng môi trường, lựa chọn nội dung, khai thác hiệu quả môi trường hiện có để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ. Trẻ được giáo viên tạo nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm qua các hoạt động bằng nhiều cách khác nhau phù hợp, giúp trẻ năng động, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động. Mặt khác, chuyên đề đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non, mẫu giáo, nhất là các trường vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đã thu hút các bậc phụ huynh tham gia nhiệt tình trong việc tạo ra môi trường cho chính con em mình vui chơi, học tập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mầm non ở những năm tiếp theo.

Với những kết quả đạt được, Sở GD-ĐT đã tặng giấy khen cho 8 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non LTLTT” giai đoạn 2016 - 2020.

    
      Năm học 2016-2017, Bình Thuận triển khai thí điểm chuyên đề "Xây dựng   trường mầm non LTLTT" tại 2 trường mầm non đại diện cho các vùng miền   khác nhau. Đến năm học 2019-2020, đã triển khai đại trà tại 181 trường   mầm non, mẫu giáp (trong đó, có 1 trường mới thành lập đầu năm 2020).

THANH THỦY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”