Theo dõi trên

Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt

21/11/2018, 09:51

BT- Với mục tiêu giúp trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và tiểu học. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” (gọi tắt đề án) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

                
Trường tiểu học Hàm Cần 1 tăng cường tiếng    Việt cho học sinh DTTS.

 Kết quả bước đầu

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 3 năm (2016 - 2018) triển khai thực hiện đề án, đến nay bậc mầm non có 4.985/10.003 trẻ DTTS đến trường (đạt tỷ lệ 49,8%), riêng trẻ MG 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,5% và 100% trẻ DTTS ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt. Nhìn chung, hiện nay trẻ mầm non DTTS đều có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1. Còn bậc tiểu học, hiện tổng số học sinh DTTS toàn tỉnh có 10.418/111.050 (chiếm tỷ lệ 9,4%). Để thực hiện tốt đề án, hàng năm sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường có học sinh dân tộc tổ chức tăng cường tiếng Việt trong hè cho các em chuẩn bị vào lớp một. Riêng trong năm học này, tăng cường số tiết dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết đối với học sinh lớp 1 và tăng cường tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục. Xem việc vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai.

Những trường tiểu học khó khăn, trường có tỷ lệ học sinh DTTS cao, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các đơn vị quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tăng cường tiếng Việt bằng nhiều hình thức, nhất là nâng cao khả năng nghe, nói. Sở đã tổ chức các chuyên đề nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt cho các trường vùng DTTS. Các trường duy trì tốt việc tổ chức các hội thi, giao lưu “Viết chữ đẹp”, “Tiếng Việt của chúng em”, hội thi “Rung chuông vàng, “Kể chuyện về Bác”… Cùng với đó, các trường có đông học sinh dân tộc đã tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh được thực hiện tích hợp vào các môn học và các tiết học bổ sung.

Theo đánh giá của Sở GD & ĐT, từ khi thực hiện đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ. Công tác phối hợp của gia đình, cộng đồng với nhà trường trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS được thực hiện thường xuyên. Hầu hết các trường đều bảo đảm cho học sinh có đủ sách giáo khoa, vở bài tập trong quá trình dạy học. Mặt khác, giáo viên tập trung rèn kỹ năng đọc, viết cho học sinh, từng bước tăng cường kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng diễn đạt tiếng Việt thành thạo.  

Khó khăn thiếu giáo viên

Tuy nhiên việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tiên, hiện nay số lượng học sinh DTTS độ tuổi dưới 5 tuổi ra lớp chưa cao vì thiếu phòng học, hầu hết chỉ tập trung trẻ em 5 tuổi. Giáo viên mầm non còn thiếu so với quy định (thiếu 60 giáo viên). Hầu hết giáo viên là người Kinh không biết hoặc biết rất ít ngôn ngữ của vùng DTTS tại địa bàn dạy học nên khó khăn trong việc giao tiếp, trao đổi, trò chuyện và hiểu trẻ. Còn giáo viên bậc tiểu học theo quy định yêu cầu giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt trong hè phải là giáo viên người dân tộc, tuy nhiên hiện nay các trường tiểu học rất ít giáo viên người dân tộc. Mặt khác, đời sống người DTTS còn nghèo, trình độ thấp, thiếu kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ, ít quan tâm đến trẻ nên việc phối hợp phụ huynh trong chăm sóc, giáo dục trẻ gặp nhiều hạn chế. Môi trường giao tiếp tiếng Việt chủ yếu ở trường, khi về với gia đình các em giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế…

Để triển khai hiệu quả đề án trong những năm tiếp theo, Sở GD& ĐT đã đề ra những giải pháp. Tiếp tục tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ ở độ tuổi dưới 5 tuổi, đảm bảo học 2 buổi/ngày và bán trú. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Bố trí giáo viên là người DTTS tại chỗ hay giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ vùng DTTS, có tâm huyết, nhiệt tình, có kỹ năng làm đồ dùng, đồ chơi dạy học để giúp trẻ có nhiều phương tiện tăng cường tiếng Việt. Đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, nhằm phối hợp cùng với nhà trường xây dựng và duy trì môi trường tiếng Việt cho trẻ….

 Hà Trúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt