Theo dõi trên

Học trò đi thi

16/06/2017, 09:43

BT- Còn đúng 6 ngày nữa (đến 22/6) là 11.284 học sinh lớp 12 tỉnh Bình Thuận đăng ký bước vào phòng thi làm bài để được đánh giá kết quả lần cuối cùng về năng lực học tập suốt 12 năm đèn sách trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

                
Ảnh minh họa

Năm nay mỗi trường THPT đều thành lập hội đồng thi tại chỗ, học sinh trường nào thi ở trường nấy, không tổ chức đưa thí sinh vào thành phố Hồ Chí Minh, hay tập trung về Phan Thiết nháo nhào như những năm trước, đó là điều hết sức thuận lợi. Qua theo dõi, tôi biết được những lãnh đạo của ngành từ sở đến trường đều tỏ ra lo lắng, họp đi họp lại để chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi được chu đáo, an toàn. Nhiều phát biểu đầy trách nhiệm và tình thương, đến mức giao trách nhiệm cho các hiệu trưởng phải nhắc nhở từ việc thuê những chuyến xe đưa đón, việc ăn uống, đến chuyện đừng để em nào ngủ quên bị trễ giờ thi…

 Thưa cùng quý cô cậu tú

Ở đây tôi muốn nói đôi điều với các thí sinh. Chuyện đi thi đã có từ ngàn xưa với các dân tộc trên trái đất này, có gì mới lạ đâu. Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay trước kia gọi là kỳ thi tú tài, các thí sinh đi thi bây giờ là các “cô cậu tú”, tất cả đều bước vào tuổi 18. Tuổi được quyền đi bầu cử, tuổi chịu mọi quyết định của cuộc đời mình, chịu mọi trách nhiệm công dân trước pháp luật nhà nước. Có còn nhỏ nhoi đâu! Nên khi đi thi, từ việc học bài đến việc bước vào phòng thi là tự bản thân lo liệu lấy chứ! Những thế hệ của học sinh Việt Nam từ khoảng 15 năm về trước đều tự mình lo liệu đi thi, nhưng đâu vẫn vào đấy đó thôi. Chuyện ăn uống, ngủ nghê trong thời điểm đi thi ngoài trách nhiệm của bản thân còn trách nhiệm của cha mẹ. Gia đình chỉ có người con đi thi, thời điểm thi chỉ vài ba ngày, việc ăn ngủ thì cha mẹ phải có trách nhiệm quan tâm (không thì anh chị, ông bà), đó là chuyện gia đình; thầy cô có nhiệm vụ ở trường lớp với hàng trăm học sinh, làm sao thay chuyện gia đình cho từng học sinh như thế được.

Từ chuyện học trò đi thi ngày nay, làm tôi liên hệ đến học sinh –  thanh niên Israel, vì sao họ trở thành tốp một trên thế giới. Tất cả đều đi từ phương pháp và quan điểm triết lý giáo dục.

 Câu nói sau cùng: Mẹ. Con hận mẹ!

Đơn cử chuyện bà Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải, khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, bà mang ba đứa con trở về Israel. Nhìn thấy cách dạy con theo kiểu Trung Quốc của bà, người hàng xóm Israel nhắc nhở bà, tỏ ra không đồng tình với cách dạy con như thế, và kể cho bà nghe câu chuyện: Một con sư tử mẹ dạy hai sư tử con săn mồi. Sư tử mẹ bảo: “Các con nghe này. Nào, Simba, Kovu, chúng ta đi bắt thỏ nhé!” Sư tử mẹ vừa dứt lời, hai chú sư tử con liền chạy băng băng trên đồng cỏ. Đột nhiên, sư tử anh vì chạy quá nhanh mà ngã lăn quay. Sư tử mẹ xót xa: “Từ sau con không cần đi săn mồi nữa. Hằng ngày, sư tử mẹ đều đưa sư tử em đi săn, sau khi sư tử em ăn no, nó sẽ mang phần thịt còn lại về cho sư tử anh. Từ đó, sư tử anh sống vô cùng sung sướng. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sư tử anh và sư tử em đều đã trưởng thành. Một hôm, sư tử mẹ bị bệnh rồi qua đời, hai sư tử con phải tự đi săn mồi. Chúng mải miết chạy, chia thành hai ngả. Sư tử anh muốn tìm thức ăn nhưng nó chẳng biết làm thế nào. Ba ngày sau, sư tử anh ngã quỵ. Câu nói sau cùng nó thốt lên là: “Mẹ, con hận mẹ!”(1) 

 Bà mẹ tử cung, cha mẹ trực thăng

Rồi qua trải nghiệm, bà Sara Imas nhận ra nền giáo dục của hai đất nước khác nhau, bà đã quyết tâm từ bỏ hình ảnh của một “bà mẹ Trung Quốc” để trở thành một “bà mẹ Do Thái” chính cống, để giáo dục con cái trong gia đình ở môi trường “mới” này. Sarah Imas đã đúc kết: “Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái thì tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được giằn sâu trong lòng, dưới biểu lộ sắt đá và cứng cỏi, họ chỉ làm một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời.” Một thuật ngữ ví von khác để nói tình thương con của cha mẹ người Trung Quốc là hình ảnh “cha mẹ trực thăng”, “chỉ những bậc phụ huynh luôn bay lượn trên đầu con cái giống như máy bay trực thăng, bay ngày càng nhanh, quản ngày càng chặt, một khi giảm tốc độ họ sẽ phá hủy cuộc đời của con cái và của chính mình (…) Họ coi sự nhiệt tình và chăm sóc thái quá của mình là món quà tặng con, tình yêu thương họ dành cho con cái ngày càng trở nên nghiêm trọng, cố chấp, thậm chí mù quáng”(2). 

Qua mẩu chuyện trên, tôi muốn nói về chuyện lo cho học sinh đi thi. Từ cha mẹ đến nhà trường – ngành giáo dục, cứ rộn ràng vào những ngày thi. Dĩ nhiên đó là những ngày quan trọng trong đời học trò, nhưng phải giáo dục cho học trò tinh thần tự lập, thái độ ứng xử tình huống ngay từ nhỏ, thắp lên ngọn lửa trong lòng để tự soi sáng mà trưởng thành, mà vững bước về phía trước, phải tự mình lo liệu đi thi một cách chu toàn mới là điều cần thiết cho cuộc đời của mỗi học trò. Hiện nay đa số cha mẹ và ngành giáo dục đang làm cái việc giống như hình ảnh “bà mẹ tử cung”, “cha mẹ trực thăng” đấy thôi, quan ngại vô cùng!

Võ Nguyên

(1): Tr 23, 24; (2): Tr 14: Sara Imas - Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương - A Mother’s Rigorous Love - http://downloadsach.com – Chu Thị Thanh Hà giới thiệu.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trò đi thi