Theo dõi trên

Huyền diệu trẻ thơ

07/06/2019, 10:05 - Lượt đọc: 6

 BT- Lâu nay, một phần giáo dục cực kỳ quan trọng cho trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ, thầy cô hầu như đã bỏ rơi, quen câu cửa miệng: “Con nít biết gì”, là điều hết sức quan ngại trong sự nghiệp giáo dục. 

                
Ảnh minh họa

 Tiếng khóc chào đời

Khóc là một phản ứng bộc lộ cảm xúc thông qua nhận thức. Vì sao trẻ vừa sinh ra lại cất tiếng khóc? Trong cảm nhận của dân gian xưa nay, trẻ sinh ra là khóc, chỉ biết có thế, bởi chưa khám phá ra điều mầu nhiệm mà khoa học đã nghiên cứu, chứng minh. Quá trình hình thành phát triển thai nhi trong chín tháng cưu mang phụ thuộc vào hai yếu tố: chế độ dinh dưỡng, luyện tập (các thao tác vận động) và mọi trạng thái tinh thần, từ nhận thức đến cảm xúc của người mẹ. Những gì người mẹ từng chứng kiến, lắng nghe vang vọng của cuộc đời, đến những nhọc nhằn lo toan, tính toán, chuyện buồn vui, khổ đau, hạnh phúc… Hai yếu tố vật chất (sinh lý) và tinh thần này bổ sung cho nhau, để chuyển hóa hình thành và phát triển hoàn thiện thai nhi trong bụng mẹ. Tử cung – được xem là “cung điện của đứa con”(1), là nơi nương tựa yên bình, thai nhi lúc ấy hoàn toàn được bao bọc, bảo vệ, nâng đỡ... Đến khi sinh ra, chúng thoát khỏi môi trường bao bọc, nâng đỡ, yên bình đó, đến với môi trường bên ngoài hoàn toàn mới mẻ, xa lạ, cái khoảnh khắc đầu tiên phải tự thân vận động để hít thở, khoảnh khắc đầu tiên mở mắt tiếp nhận không gian bao la, thực thể ấy choáng ngợp, gây phản ứng, tạo ức chế sinh lý, tiếng khóc của thực thể cất lên nhằm giải tỏa những ức chế. Tiếng khóc ấy vô cùng thiêng liêng, mầu nhiệm, thông báo sự hiện diện của một sinh linh trong cõi con người. Nếu không cất lên tiếng khóc, tức các bộ phận giác quan có vấn đề, không hoạt động, nên không phản ứng, không tiếp cận thế giới chung quanh để hình thành các “mạch” kết nối, mà vai trò của “mạch” kết nối tạo ra nhân cách, năng lực ở mỗi con người(2), báo hiệu những điều đáng lo ngại.

 Đừng nhầm sự nhạy cảm để kết nối 

Bắt đầu từ đấy, trẻ liên tục lắng nghe, quan sát, tiếp nhận cái thế giới đang diễn ra chung quanh bằng tất cả các giác quan của chúng. Thị giác cảm nhận được, nên luôn nhìn theo bất cứ vật gì xuất hiện trước mắt; thính giác tiếp nhận được, lắng nghe tất cả âm thanh vang vọng đến; ngay lúc ấy tự biết bảo vệ bản thân, giật mình hoảng sợ khi có tiếng động mạnh, nhưng cũng biết lặng mình theo dõi “thưởng thức” những âm thanh êm dịu, ngọt ngào đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Nó luôn muốn khám phá, muốn được nhìn những hình ảnh, màu sắc mới, nên tỏ ra chán nản với những hình ảnh, sắc màu quen thuộc cứ luôn xuất hiện lặp lại trước mắt. Rồi biểu hiện phản ứng chán nản của chúng bằng khóc.

Lâu nay, phần đông – không nói hầu hết, người ta quan niệm trẻ con khi mới sinh ra là một sinh thể với tập hợp rỗng – từ não bộ, như một tờ giấy trắng, chưa biết gì, không thể phân biệt. Vì thế, từ gia đình đến nhà trường – những người có trách nhiệm giáo dục, không mấy quan tâm, có khi không biết đến sự ẩn chứa, phát triển huyền bí, kỳ diệu não bộ trẻ thơ đã có từ trong tử cung, nên không biết cách tiếp tục phát triển mạch kết nối từ thai nhi đến trẻ sơ sinh trong quá trình giáo dục. Cha mẹ và thầy cô đã làm gián đoạn – thậm chí xóa bỏ yếu tố chuyển tiếp này để can thiệp một cách thô bạo, phản tự nhiên, đi ngược quy luật phát triển để hình thành nhân cách, năng lực ở mỗi con người ngay từ tuổi ấu thơ.

Chúng tôi đưa ra nội dung này bởi hiện nay nhiều nhà sư phạm đã áp dụng những thành tựu khoa học về sự phát triển tâm sinh lý con người, giáo dục trẻ sơ sinh từ khi mới lọt lòng mẹ. Họ tập cho chúng nhìn để phân biệt hình ảnh, màu sắc; tập cho chúng tiếp nhận âm thanh, nhạc điệu, tiếng nói để làm theo từ khi mới 2, 3 tháng tuổi. Họ thấy rằng những ấu nhi cảm nhận được, chúng chăm chú nhìn, mở miệng, chuyển động môi, phát ra âm thanh để làm theo, hết sức hồn nhiên, trong ngần, tuyệt diệu, và họ đã thành công trong phương pháp giáo dục này. Nên soi lại việc đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo của chúng ta lâu nay và sắp tới đã xác định và làm được những gì cho giáo dục ban đầu với trẻ mầm non.

    
     (1). Ý   tưởng từ bức vẽ tử cung đẹp nhất từng xuất hiện trong thời kỳ phục hưng   của Leonardo da Vinci với hình ảnh một thai nhi vừa tròn tháng nằm gọn   trong tử cung của người mẹ; (2). Theo Sara Imas – Vô cùng tàn nhẫn vô   cùng yêu thương, Nhà xuất bản Dân Trí, 2017.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huyền diệu trẻ thơ