Theo dõi trên

Kaluc - mùa mưa này

20/11/2017, 09:53

BT- Nghe cách nói lấp lửng của cô bé Trinh, vì chưa từng trải qua một lần chào cờ khiến tôi bỗng thấy nao lòng. Sao điều thiêng liêng ấy và cũng gần gũi ấy lại xa vời với học sinh nơi này đến vậy?

                
Thầy trò ở cơ sở Kaluc.

Nơi học sinh chưa biết chào cờ

Những đợt mưa xối xả vì ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới đã qua nhưng hôm nay, đứng trên chiếc cầu bắc qua sông Ly này, nhìn con nước chảy hỗn độn bên dưới mà bỗng rợn người. Bên kia cầu là thôn Kaluc của Phan Sơn, Bắc Bình. Chào mừng ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, nhà nào ở đây, dù bé xíu vẫn treo cờ đỏ bay phất phới. Có nhà treo cao trên mái nhưng cũng có nhà chỉ treo trước ngõ, sân hay bất cứ chỗ nào có thể treo được, vì nhiều khi việc treo cờ ấy do chính học sinh tiểu học làm. Thật lạ, nhìn các em học sinh đùa giỡn trên sân trường Kaluc vào giờ ra chơi, em nào cũng nhanh nhẹn, cũng da đen nhẻm, cũng có đôi mắt to, sáng và hình như các em học lớp 5 cao lắm cũng khoảng 1,2m  là cùng. Thế nên, khi nghe một cô bé học lớp 4, tên Trinh kể chuyện tự lo việc ăn mặc, học hành, tôi cứ ngỡ sự tự lập ấy dành cho lứa học sinh lớp 8, 9 ở dưới đồng bằng, thậm chí là học sinh cấp 3 ở phố thị, nhất là ở những gia đình chăm sóc con như chăm gà công nghiệp. Em Trinh kể rằng, cha mẹ đi làm rẫy xa, cả tuần, 10 ngày mới về nhà nên mọi việc ở nhà, em tự lo hết. Nói đến chuyện treo cờ, khi cán bộ thôn nói, vậy là em đem cờ ra cột vào cây ở hàng rào trước cổng. Em thấy điều đó không khó lắm, vì hàng ngày, ngoài đi học ra, em còn tự nấu ăn, giặt giũ và làm nhiều việc khác. Có những việc, em đã tập tành làm từ năm lớp 2 như nấu ăn.  Hỏi ra, ở trường này, phần lớn các bạn đều  tự nấu ăn, giặt giũ, tự đến lớp như Trinh nên dù cha mẹ có đi làm xa, ít về nhà, chuyện học hành vẫn diễn ra bình thường. Ở cơ sở Kaluc không có chuyện học sinh bỏ học.

 Nhìn tôi, cô bé Trinh cười bẽn lẽn, chỉ lên lá cờ đỏ đang bay phần phật trên cao của trụ cờ trước sân trường thắc mắc, sao người lớn có thể treo cờ cao được chừng ấy,  lá cờ lại chạy lên, chạy xuống được. Em nghe thầy giáo nói sắp tới từ lớp 1 đến lớp 5 tại Kaluc sẽ được tổ chức chào cờ. Em và các bạn nôn nao và tò mò lắm, vì từ khi đi học đến giờ, em chưa từng một lần được chào cờ. Không biết chào cờ sẽ như thế nào, nhưng được tập trung ở trên sân mới này, nhìn lá cờ được kéo lên theo tiếng hát, lại được ngồi trên ghế nhựa chứ không phải ngồi bệch dưới đất này khiến bạn nào cũng trông mong đến giờ phút ấy. Nghe cách nói lấp lửng của cô bé Trinh, vì chưa từng trải qua một lần chào cờ khiến tôi bỗng thấy nao lòng. Sao điều thiêng liêng ấy và cũng gần gũi ấy lại xa vời với học sinh nơi này đến vậy?

   Cái khó của vùng trũng 

Như hiểu được điều tôi nghĩ, thầy giáo Mang Duy Nam, người dạy ở cơ sở Kaluc từ năm 2006, thời điểm mà cầu bắc qua sông Ly chưa có, ở thôn chỉ có các lớp tiểu học, chưa có mẫu giáo như bây giờ, cho rằng chỉ vì chưa làm được sân trường nên mới chưa có buổi chào cờ nào. Đồng thời cũng phân bua, không phải thầy cô ở đây không nỗ lực nhưng vùng đất của trường quá thấp trũng. Vào mùa khô, nắng núi cheo leo, cây cỏ hoang dại mọc, khoanh vùng cho học sinh ngồi cũng khó. Vào mùa mưa thì trước sau lớp học đều lầy lội, học sinh vào được lớp, có khi bùn đất bết lên đến tóc, ngồi học mà nước mưa long tong rớt xuống đầu. Nơi ở của 4 thầy giáo phía sau trường cũng giã chiến như lều bạt dựng tạm. Nhưng mới đây, tình cờ một công ty biết được đã tài trợ kinh phí sửa chữa lại nhà ở thầy cô, sửa sang lại các phòng học, xây dựng sân trường, dựng trụ cờ, đổ bê tông đường đi lối lại trong khuôn viên trường nên không chỉ thầy cô mà các em học sinh, dù chưa biết gì cũng đã rất vui. Những lúc ra chơi, nhìn chúng chạy nhảy vui đùa vô tư, không phải rón rén, lo bị té đã đủ biết điều đó.

Giờ đã có sân trường đàng hoàng, cũng đã có ghế ngồi cho 130 học sinh và thầy cô giáo, tuần sau điểm trường Kaluc sẽ tổ chức chào cờ. Thầy cô phải nhờ học sinh bên trường chính qua kéo cờ trong thời gian đầu để học sinh bên này thấy mà học tập. Rồi phải tập các em hát Quốc ca nữa… Tuần sau cũng là vào dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Bận rộn thật nhưng vui, vì từ mùa mưa này, điểm trường Kaluc chấm dứt cảnh lầy lội, bắt đầu có buổi chào cờ đầu tuần.

Chia tay Kaluc, tôi cứ thắc mắc địa danh ấy có nghĩa là gì. Ông K’Bé, người viết lịch sử của xã Phan Sơn giải thích theo hướng tách bạch 2 từ ra. Ka nằm trong vùng Kaloan, bao gồm caty, catot… Còn Luc có nghĩa là vùng thung lũng, vùng trũng. Chính vì trũng thấp mà bao năm nay, nơi này không thể phát triển. Chuyện ở trường học Kaluc chỉ là một phần, nơi đây còn bao nhiêu vấn đề khác rất khó khăn, nhất là phát triển kinh tế. Người dân phải mua gạo ăn từng bữa, vì không chủ động nước để trồng lúa. Các công trình thủy lợi miền núi chưa phát huy ở xã, vì thiếu vốn đầu tư… Trên đường về, qua khu tái định cư của dự án Phan Rí - Phan Thiết, nhìn những công trình hàng chục tỷ  đồng bỏ hoang phế, cây cối mọc um tùm cả một vùng, cảm giác đắng miệng bỗng dâng lên. Chỉ trong bán kính không tới 4 cây số nhưng sao có cảnh để cán bộ và người dân ở Phan Sơn phải kêu ca rằng: Nơi đổ tiền hoang phí, nơi cần tiền để nâng mức sống người dân lại quá khó khăn?

Ghi chép: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kaluc - mùa mưa này