Theo dõi trên

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nhiều thí sinh phấn khởi làm được bài

27/06/2019, 16:36

BTO- 10 giờ 30 phút sáng (27/6), buổi thi cuối cùng với bài thi tổ hợp KHXH (sử, địa lý, giáo dục công dân) đã hoàn thành, kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo số liệu thống kê, thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp KHXH chiếm đa số  (68,2 %) so với thí sinh dự thi tổ hợp KHTN (31,8%).

Đề thi địa, giáo dục công dân dễ thở

Với thời gian làm bài 50 phút/môn, và 40 câu hỏi/môn bằng hình thức trắc nghiệm, các thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, phấn khởi. Theo nhận định của các thí sinh, đề thi tổ hợp KHXH năm nay không khó, kiến thức có trong chương trình sách giáo khoa bao gồm cả lớp 10, 11 và 12.

Đề thi hai môn địa và giáo dục công dân có phần dễ thở, thí sinh làm bài rất tốt. Vì các câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, chủ yếu nằm trong kiến thức lớp 12. Đề thi giáo dục công dân dễ vận dụng các tình huống thực tiễn, đề thi địa có nhiều câu hỏi vận dụng từ atlat nên dễ dàng làm được. Riêng môn sử, nhiều thí sinh cho rằng đề thi khó vì các câu hỏi đưa ra mốc thời gian nhiều, kiến thức rộng, trong đó có nhiều câu hỏi về lịch sử thế giới có trong kiến thức lớp 10, 11 nên thí sinh không nắm hết để làm bài.

Tại điểm thi Trường THPT Phan Thiết, thí sinh Yến Thu cho hay:  “Đề thi tổ hợp KHXH vừa sức với em, riêng môn giáo dục công dân, địa lý dễ lấy được 7 – 8 điểm. Riêng môn sử hơi khó nên em nghĩ chắc khó đạt được điểm 5”. Cùng suy nghĩ, em Nguyễn Đình Chiến chia sẻ: “Hoàn thành các môn thi, em cảm thấy rất thoải mái. Em thấy đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, tất cả các môn thi em đều làm được. Em tin mình sẽ đạt được kết quả tốt”.

                       
      Thí sinh trường THPT Phan Thiết thoải mái khi hoàn thành kỳ thi.

 Tại điểm thi trường chuyên Trần Hưng Đạo: Thí sinh Đỗ Trọng Đạt (Phú Quý) rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi. “Trong 3 môn thi hôm nay, đề thi môn sử tương đối dài và khó, còn đề thi môn địa  và GDCD vừa sức, vận dụng nhiều tình huống trong thực tế nên em làm bài khá tốt. Nhìn chung đề thi cả 3 môn đều nằm trong phần kiến thức lớp 12, nếu chịu khó ôn tập thì có thể đạt bình quân từ 6  - 7 điểm. Trước đó, em làm bài thi môn văn và toán cũng tương đối tốt, đạt khoảng 70%, chỉ có môn anh văn hơi lo lắng chút, mong rằng sẽ đạt điểm trung bình”, Đạt cho biết.

Đặng Ngọc Tài – một thí sinh tự do dự thi vào Học viện biên phòng chia sẻ: “Năm nay em chỉ thi môn văn, sử và địa. Theo em, đề năm nay cũng tương đương đề năm ngoái, vừa sức với thí sinh. Nhưng ở môn địa, câu hỏi không dài nhưng khá khó. Còn môn sử em làm bài tốt, mỗi môn thi em làm đạt khoảng 60% - 70%”.

Thí sinh Đồng Thị Mỹ (Phú Quý) nhận định: “Đề năm nay tương đối dễ, không quá dài cũng không đánh đố học sinh nên nếu chịu khó ôn bài  đều có thể đạt trên điểm trung bình ở cả 3 môn thi này. Chỉ có môn sử là tương đối khó vì đáp án cho mỗi câu hỏi gần giống nhau nên bắt buộc người đọc phải học và hiểu vấn đề mới chọn được câu đúng nhất”.

                
   

      Thí sinh trường    THPT Ngô Quyền (Phú Quý) phấn khởi khi đã hoàn thành xong kỳ thi    THPT quốc gia 2019.

    

Đề thi sử đòi hỏi tư duy tốt mới có điểm cao

Tại điểm thi Trường THPT Phan Chu Trinh, thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng buồn, vui xen lẫn. Nhưng đa phần các em cho rằng, đề tổ hợp KHXH có tính phân hóa cao, như vậy rất công bằng và đảm bảo chất lượng đầu vào các trường đại học. Bùi Hồ Anh Thư – lớp 12A14 cho biết: Trong 3 môn thi,  đề thi sử khó nhất. Dù nội dung thi tập trung vào chương trình lớp 12 nhưng phải học sâu, hiểu rõ vấn đề mới không bị nhầm lẫn. Còn môn địa, các câu đa số sử dụng atlat rất dễ lấy điểm, phần khó tập trung ở những câu cuối để phân loại thí sinh. Môn giáo dục công dân có nhiều câu hỏi tình huống, rất rối nếu không nắm vững kiến thức và đọc kỹ đề.

Còn Phạm Thị Thanh – theo học khối C (văn, sử, địa) và có nguyện vọng vào khoa Quản trị khách sạn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, nên khá tự tin về bài làm của mình. Theo em, cấu trúc như đề thi minh họa nhưng nội dung có phần khó hơn. Đề thi sử cần học chắc kiến thức, có tư duy tổng hợp tốt mới có thể đạt điểm cao. Riêng đề thi địa có nhiều câu có thể sử dụng atlat nên có thể tận dụng triệt để lấy điểm phần này.

Tại điểm thi Trường THPT Phan Chu Trinh, có 506 thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp KHXH, có 5 em vắng thi, trong đó 4 thí sinh tự do và 1 thí sinh khuyết tật được xét miễn thi. Kết thúc môn thi ngoại ngữ chiều 26/6, không may 1 em bị tai nạn giao thông, nhưng sáng nay vẫn cố gắng đến điểm thi để hoàn thành bài làm của mình.

Thầy Huỳnh Ngọc Sáng – Giáo viên môn địa, Trường THPT Phan Chu Trinh nhận xét: Đề thi môn địa năm nay có sự phân hóa cao, 10% nằm trong chương trình lớp 11 và 90% thuộc lớp 12. Các câu căn cứ vào atlat địa lý Việt Nam đều rất dễ lấy điểm, trong đó có 2 câu liên quan đến địa lý địa phương. Với đề thi này sẽ có nhiều em đạt điểm 5 – 7 điểm. Tuy nhiên, sẽ rất ít thí sinh đạt điểm 10 tối đa, do yêu cầu phải có kỹ năng và tư duy trong làm bài.

                       
         Thí sinh Trường    THPT Phan Chu Trinh vui vẻ sau khi kết thúc kỳ thi

Nhóm phóng viên CTXH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nhiều thí sinh phấn khởi làm được bài