Theo dõi trên

Khó khăn bậc học mầm non xã vùng ven

24/08/2017, 10:02 - Lượt đọc: 12

BTO-  Là  xã vùng ven thuộc thành phố Phan Thiết, Tiến Thành có 1 trường mầm non, trong đó có 3 điểm lẻ. Khoảng cách giữa điểm chính và lẻ khá xa do địa bàn xã rộng. Đội ngũ giáo viên thiếu, người dân trong xã chủ yếu làm nông và nghề biển... thu nhập bấp bênh, ảnh hưởng công tác vận động trẻ ra lớp và tổ chức học bán trú.

                       
      
      
      Một trong những điểm trường của Trường mầm non Tiến Thành    nằm trong Trường tiểu học 2 Tiến Thành

Trường Mầm non Tiến Thành (điểm chính) nằm ở thôn Tiến Hòa với 3 phòng học, 1 phòng chức năng, trong đó 3 điểm lẻ (mỗi điểm 1 phòng học nằm trong các trường tiểu học ở các thôn Tiến Đức, Tiến Bình và Tiến Hải). Trước đây, trường có 7 phòng học, niên học này xây mới thêm 1 phòng tại điểm chính, đến nay có tất cả 8 phòng học.

Năm học 2016-2017, toàn trường có 206 trẻ/7 lớp, trong đó phần lớn là trẻ 5 tuổi. Trường tổ chức 2 điểm bán trú (điểm chính và 1 điểm lẻ ở Tiến Hải), 2 điểm còn lại (Tiến Đức và Tiến Bình) không tổ chức bán trú do cách xa điểm chính gần 20 cây số, không thể vận chuyển thức ăn. Vì thức ăn chuyển đi xa sẽ bị ôi thiu, hơn nữa tiền vận chuyển phụ huynh phải trả, trong khi cuộc sống của họ quá khó khăn.

Tuy nhiên, nguyện vọng cho con học bán trú ở  xã vùng ven này vẫn có. Cô Nguyễn Thị Ân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiến Thành cho biết: Hai điểm trường này rất khó để bán trú, ngoài cách xa điểm chính, người dân phần lớn đi biển, làm nông, làm thuê… họ không đủ khả năng để đóng tiền ăn cho con.  Dù vậy, họ cũng muốn cho con học bán trú để khỏi phải đưa đón con 4 lượt/ngày.

Bà Mai Thị Lan – thôn Tiến Đức cho biết, tôi có đứa cháu nội, ba mẹ suốt ngày mưu sinh nên nhờ tôi trông giúp. Tôi muốn cho cháu học bán trú…

Trước nhu cầu của người dân, hai điểm trường trên đã họp các phụ huynh, cử ra một người trong số họ, nấu ăn cho các cháu. Theo đó, cứ sáng phụ huynh đưa con đến lớp đóng khoảng 13.000 – 15.000 đồng/cháu. Cô Trương Hoàng Cẩm Lệ – giáo viên phụ trách điểm trường Tiến Đức cho biết, năm học này điểm trường có gần 20 cháu. Thu tiền ăn 1 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần thì phụ huynh không có tiền để đóng, nên ăn ngày nào thu ngày đó. Buổi sáng khi phụ huynh chở con tới và đưa tiền ngày, sau đó giao lại cho người nấu ăn.

Công tác vận động trẻ ra lớp cũng rất khó khăn khi không ít phụ huynh vẫn coi nhẹ, cho rằng việc con học mẫu giáo là không cần thiết. Họ thường lấy các lý do như gia đình khó khăn, không có tiền đóng để muốn giữ con ở nhà. Chỉ đợi đến khi các em đủ tuổi rồi cho vào học lớp 1, nên các cháu không có nền tảng của cấp học mầm non, khó có thể tiếp cận tốt chương trình lớp 1.

Ngoài những khó khăn trên, Trường Mầm non Tiến Thành còn thiếu giáo viên. Cô Ân cho biết, về cơ sở vật chất của trường tạm ổn, nhưng thiếu về nhân sự. Đầu năm học này, trường có 8 lớp, theo quy định mỗi lớp 2 cô, nhưng hiện nay có 12 cô, trong đó có cô nghỉ bảo sản, nghỉ bệnh… Rất khó khăn cho công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ, trong khi khoảng cách giữa các điểm trường  thì xa.

Tập thể giáo viên Trường Mầm non Tiến Thành mong có đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Và cũng mong muốn bậc phụ huynh nên đưa con em ra lớp đầy đủ để trẻ học tập, vui chơi, phục vụ tốt nhất nhu cầu của trẻ. Các ngành chức năng, cộng đồng xã hội quan tâm những điểm trường chưa bán trú và giúp đỡ các gia đình khó khăn tạo điều kiện cho trẻ đến trường.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn bậc học mầm non xã vùng ven