Theo dõi trên

Kiểm soát và phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học

24/07/2020, 09:26

 BT- Mặc dù thời điểm này Bình Thuận vẫn chưa phát hiện bệnh nhân nào mắc bệnh bạch hầu, nhưng ở 2 tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông liên tiếp xuất hiện các ổ bệnh bạch hầu trong các khu dân cư, trong đó có 2 học sinh dương tính với bệnh bạch hầu, do vậy đặt ra cho ngành giáo dục nhiệm vụ kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh này trong trường học.

                
      
      Cán bộ y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho học sinh ở tỉnh Đắk    Nông. Ảnh: Internet

  Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi và cổ họng. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 60 tuổi đặc biệt có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao. Trong giai đoạn đầu, bệnh bạch hầu có thể bị nhầm lẫn với những đợt cảm lạnh thông thường với các biểu hiện như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản và có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Các dấu hiệu bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi một người bị nhiễm bệnh. Đây là một bệnh vừa nhiễm độc vừa nhiễm trùng. Người bị bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, độc tố bạch hầu gây viêm cơ tim, liệt cơ dẫn đến nguy cơ tử vong trong vòng 6 ngày. Tuy đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu nhưng trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho hệ thần kinh, thận và tim của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, chủ yếu là qua đường hô hấp. Bệnh có thể xâm nhập qua da, gây ra bạch hầu da. Có 2 cách lây truyền của bệnh bạch hầu đó là lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người sang người và lây truyền gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho người khác. Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học, Sở Giáo dục - Đào tạo vừa có văn bản đề nghị các phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai các biện pháp để phòng, chống bệnh bạch hầu tại các trường học. Theo đó, Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các nội dung của Công điện ngày 8/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ có đủ ánh sáng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các hành vi tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được hình thành và thực hiện tốt trong trường học thời gian qua.

Đặc biệt là phải theo dõi chặt chẽ và phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để thông báo ngay cho cơ quan y tế khám và điều trị kịp thời. Kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh và vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục…

PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát và phòng, chống bệnh bạch hầu trong trường học