Theo dõi trên

Làm cả 2 bài thi tổ hợp, thí sinh có tăng cơ hội đỗ đại học?

28/02/2017, 11:19

Thí sinh có quyền làm 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội khi xét tuyển, tuy vậy, các chuyên gia giáo dục khuyên các em chỉ nên tập trung vào 1 bài thi.

Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ phải hoàn thành 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Ngoại trừ môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, các môn thi còn lại đều được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.Trong trường hợp thí sinh chọn thi cả 2 bài thi tổ hợp, bài thi tổ hợp nào có điểm cao hơn sẽ được dùng để xét tốt nghiệp. Đồng thời, các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay cũng sẽ không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

                
      
      Nhiều thí sinh có tư    tưởng thi nhiều môn để tăng cơ hội khi xét tuyển CĐ, ĐH. (Ảnh    minh họa).

Tuy nhiên, theo TS Vũ Viết Bình, Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, quy chế “mở cửa” là vậy, nhưng thí sinh vẫn chỉ nên tập trung vào một bài thi. Bởi nếu thi cả 2 bài thi tổ hợp, đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ phải thi 9 môn, như vậy dễ dẫn đến kết quả không tập trung.

Thầy Bình cũng cảnh báo thêm, các thí sinh không nên thấy năm nay việc đăng ký nguyện vọng “hào phòng” mà đăng ký tràn lan các ngành. Thay vào đó thí sinh nên hướng vào 2-3 ngành sát với năng lực và đam mê của bản thân.

Còn theo thầy Đàm Tiến Nam, nếu có năng lực thực sự tốt, học đồng đều các môn, học sinh có thể thi cả 2 bài thi để tăng tỷ lệ đỗ. Nhưng để chắc chắn, các em nên học và thi có trọng tâm vào một bài thi, còn một bài nên học theo hướng “thi thêm”, dự phòng, để tránh học nhiều, nhưng kết quả lại không cao.

Các trường tập trung ôn cuốn chiếu

Trước những thay đổi đáng kể trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều thí sinh không khỏi lo lắng. Trần Thị Mỹ Nhật, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú cho biết: “Môn Toán chuyển sang thi trắc nghiệm, em thấy lo lắng nhất về thời gian làm bài. Phải làm 50 câu trong 90 phút không phải là dễ. Ngoài ra, với các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, cách học cũng phải thay đổi. Chúng em phải học theo bề rộng và chú ý nhiều hơn đến các chi tiết nhỏ”.

Nguyễn Mỹ Uyên, học sinh lớp 12, trường THPT Phạm Hồng Thái cũng tỏ ra hết sức hoang mang về bài thi tổ hợp cùng bài thi trắc nghiệm môn Toán. Uyên cho biết, hiện tại ngoài việc học trên trường, lịch học thêm của em cũng kín tuần gồm học ở trung tâm và cả gia sư.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, các sỹ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Không chỉ học sinh dồn lực học, ôn tập mà bản thân các trường cũng gấp rút lên kế hoạch giảng dạy.

Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho biết trường đang tiến hành cho học sinh học ôn theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu ôn chắc đến đó nhằm giúp các em giảm bớt căng thẳng khi thời gian không còn nhiều. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện tăng số lượng tiết các môn. Học sinh chọn bài thi khoa học xã hội sẽ được tăng số tiết với các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân. Thầy Nhâm cho biết, theo phân phối chương trình, những môn này, học sinh chỉ học 1 tiết/ tuần. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường tăng gấp đôi số buổi. Tương tự với những lớp học sinh thi theo ban tự nhiên, số lượng các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng được tăng tiết tương ứng.

Đây là năm đầu tiên các môn như Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được thi hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm. Để học sinh làm quen với cách thi mới, trường tích cực xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm đồng thời thay đổi cách kiểm tra bám sát với đề thi minh họa của Bộ.

Trước những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, thầy Đàm Tiến Nam, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn  Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Ban đầu nhà trường cũng rất lo ngại, nhưng hiện tại trường đang dạy theo hình thức cuốn chiếu. Việc ôn tập được triển khai theo hướng giúp học sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm”.

Thầy Nam cho biết, hiện tại số tiết các môn có trong kỳ thi THPT quốc gia đã được nhà trường tăng lên so với khung chung của Bộ. Đến tháng 5, khi học sinh kết thúc chương trình, trường sẽ tổ chức cho các em ôn nước rút bằng cách tăng tiết.

Theo thầy Nam, phương án ôn thi thay đổi cho phù hợp với những quy chế mới không phải là quá phức tạp. Nhưng trước những thay đổi khá lớn trong kỳ thi, khiến học sinh ban đầu không khỏi hoang mang. Do đó, thầy cô và gia đình cần chú ý động viên, hỗ trợ để các em yên tâm học tập và bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất.

Cùng với đó, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thay đổi cách dạy và học theo hướng đẩy mạnh việc làm các đề thi trắc nghiệm, lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, kiến thức thực tế để tăng hứng thú cho học sinh. Riêng với môn Giáo dục công dân, trường dự kiến từ năm 2017, sẽ đưa môn học này vào kỳ thi học sinh giỏi cấp trường để các em có thêm cơ hội rèn luyện.

CTV Nguyễn Trang/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm cả 2 bài thi tổ hợp, thí sinh có tăng cơ hội đỗ đại học?