Theo dõi trên

Lạm thu và vai trò của hội phụ huynh

22/09/2017, 09:07

BT- Mới đây, chuyện lạm thu đầu năm học làm nóng nhiều diễn đàn. Vì sao như thế? Để khắc được bệnh, cần lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc. Bài viết sau đây của cô giáo Phan Tuyết, phân tích những nguyên nhân dẫn đến lạm thu. Dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi ý kiến không đồng ý, song xin hiểu: đã là diễn đàn thì mọi người có quyền tranh luận, bày tỏ ý kiến.

                
Ảnh minh họa

Mới bước vào năm học mới vài tuần nhưng câu chuyện về lạm thu đã nóng lên. Nhiều trường học đưa ra những mức thu chóng mặt như báo chí nêu tên vừa qua. Điển hình, như Trường THCS Minh Tân, TP. Hải Phòng thu gần 9,2 triệu đồng/học sinh. Một trường học ở Cà Mau dự kiến thu học sinh lớp 1 là 16 triệu đồng. Khi sự việc được phản ánh, báo chí vào cuộc thì hiệu trưởng nào cũng khẳng định: “Tất cả do hội phụ huynh phát động và phụ huynh tự nguyện đóng góp…”, nhà trường trở thành vô can (ít ra có thể nói như vậy).

 Đằng sau sự tự nguyện

Nếu không có sự đồng ý của hội phụ huynh nhà trường, chắc chắn không có trường học nào dám công khai mức thu như vậy. Bởi hội phụ huynh nhà trường có vai trò  quan trọng trong việc thu và chi số tiền phụ huynh toàn trường đóng góp.  Trong trường hợp xảy ra lạm thu như nói trên thì trước đó, hiệu trưởng đã “trò chuyện” với chủ tịch hội phụ huynh để dò ý (chưa nói là lôi kéo đồng minh). Nếu gặp hội phụ huynh giàu năng lực tính toán, thấy không có lợi cho học sinh, tỏ ý không đồng tình, hiệu trưởng sẽ khó mà lạm thu, nhưng nếu gặp hội phụ huynh, hiệu trưởng nói gì gật đó,  kế hoạch tăng thu, lạm thu sẽ diễn ra.

Một khi hội phụ huynh thuận theo ý hiệu trưởng, thì trong ngày họp phụ huynh toàn trường, bảng thu đã liệt kê từng khoản sẽ được đưa về các lớp. Khi đó, giáo viên của từng lớp sẽ đọc hoặc liệt kê cho phụ huynh  của lớp mình nghe. Ban đại diện hội phụ huynh nhà trường lúc này sẽ đi đến từng lớp để phổ biến vì sao phải thu tiền nhiều, thu như thế này, thế kia. Và câu nói cửa miệng vẫn là: “Thu tiền là để lo cho chính con em của mình! ”…

 Đa phần phụ huynh của lớp đi họp là để họp, chẳng ai muốn phát biểu vì tâm lý “mình phát biểu biết đâu con mình, em mình sẽ bị làm khó…” vì vậy thường là im lặng. Bởi thế, khi biên bản cuộc họp được thông qua sẽ có câu: “Phụ huynh hoàn toàn đồng ý với kế hoạch của hội phụ huynh và nhà trường vừa triển khai”.

Có bảo bối trong tay (biên bản), ngay sau đó, nhà trường sẽ tiến hành thu và nếu có chuyện gì thì… “chúng tôi có văn bản đầy đủ, chứng minh đây là hội phụ huynh triển khai hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện”.

Có không ít lần, trực tiếp nghe sự phàn nàn của một số phụ huynh về việc đóng góp quá nhiều khoản cho con vào đầu năm học, tôi (Phan Tuyết) bày tỏ thái độ: “Tại sao anh/chị lại không có ý kiến ở cuộc họp?”, thì họ nói: “Ai sao mình vậy, có ý kiến liệu có ích gì? Khi nhà trường và hội phụ huynh đã đồng ý”.

 Hạn chế việc lạm thu bằng cách nào?

Một khi có sự đồng tình của hội phụ huynh, một số trường sẽ thu nhiều khoản tiền vô tội vạ. Có ai tự hỏi vì sao có những hội phụ huynh như thế? Trên thực tế, những người nằm trong hội phụ huynh nhà trường không do các phụ huynh trong trường bầu chọn mà do chính hiệu trưởng đề xuất. Họ được chính hiệu trưởng “chọn mặt gửi vàng” nên khi ngồi vào vị trí ấy, thay vì bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh, những người mang danh hội phụ huynh nhà trường lại trở thành “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng.

Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này? Điều tưởng như đơn giản nhưng đang trở thành thách thức, trừ phi chính các bậc phụ huynh tự  cử người đại diện cho mình. Xin đừng ủy thác việc này cho nhà trường. Phụ huynh cần tìm cho mình người đại diện cương trực, dám nói thẳng, người thấu hiểu và biết cảm thông với nỗi khổ, sự vất vả của những người dân nghèo. Có thế, bất kỳ những khoản đóng góp nào của nhà trường đưa ra không phù hợp, hội phụ huynh sẽ có quyền từ chối.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm thu và vai trò của hội phụ huynh