Theo dõi trên

Lan man về cách mạng công nghiệp thứ tư (*)

21/09/2018, 09:06 - Lượt đọc: 6

BT- Gần đây nhiều người nói đến cách mạng công nghiệp thứ tư. Đây là cuộc cách mạng “hình thành trên 2 nền tảng chính: Một là trí tuệ nhân tạo, dẫn đến tự động hóa toàn diện triệt để cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, hai là công nghệ sinh học, thỏa mãn mọi nhu cầu về sinh sản, phát triển bền vững của thế giới sinh vật và của loài người”.

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, Việt Nam cần phải có chính sách phát triển khoa học công nghệ phù hợp, trong đó có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện, tham gia cuộc cách mạng.

Là  người có con đang học đại học, tôi thật sự lo lắng: Khi con tốt nghiệp liệu có bị tụt hậu về kiến thức đã học trong 4 năm trời, có phải học lại để bắt kịp cách mạng công nghiệp  thứ tư?  Dự báo trong tương lai gần, nhiều công việc trong thị trường lao động toàn cầu sẽ biến mất. Thay vào đó, những công việc  mới sẽ hình thành và đòi hỏi kỹ năng mới. Trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập trực tiếp vào đời sống của con người. Tất cả đều có thể được lập trình, tự động hóa, mang lại năng suất cao hơn so với sức lao động của con người rất nhiều. Trong khi đó với cách học hiện nay sẽ làm học sinh không thể phát huy tính sáng tạo để giải quyết vấn đề. Một khi gặp phải vấn đề phức tạp chưa có đáp án, học sinh thiếu kỹ năng phân tích để đưa ra những giải pháp hợp lý. Sự khác biệt lớn giữa học đường với môi trường làm việc thực tế, góp phần cho con số trên 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm. Do vậy, theo một chuyên gia về giáo dục, giáo dục Việt Nam cần chuyển qua phương pháp học để giải quyết vấn đề. Tạo điều kiện để học sinh quen với cách phân tích sự việc, nhận định vấn đề, nhìn sự việc từ nhiều góc độ, sáng tạo trong cách xử lý.

Không biết những suy nghĩ  như vậy có xa vời lắm không?

Nhiều người lại cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người mà chỉ hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.  Máy móc có thể phân tích dữ liệu để cho kết quả tốt nhất, nhưng con người có giác quan mà máy móc không thể có được. Cuối cùng, tất cả đều cần quy tụ về con người và giá trị nhân văn. Một trái tim bao dung, một tấm lòng nhân ái dành cho những số phận không may, luôn rất cần và không gì có thể thay thế cho dù xã hội có hiện đại đến đâu. Cũng giống như người nhạc sĩ tài hoa vẽ lên những khắc khoải thu về bằng giai điệu và lời ca, từ mạch nguồn cảm xúc, tinh tế, lãng mạn, chỉ có ở tâm hồn người: Mùa thu vàng tới, là mùa lá vàng rơi. Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi. Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi. Nghe chừng như đây màu tê tái… Ca khúc Thu vàng của nhạc sĩ Cung Tiến vì thế vẫn còn mãi với thời gian.

Quang Tuấn

(*): Ở Việt Nam nhiều người ưa dùng từ cách mạng 4.0. Cách gọi này theo các chuyên gia là không chính xác. Theo đó “Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất là cuộc cách mạng cơ khí hóa, mở đầu bằng máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ hai vào cuối thế kỷ XIX, là cách mạng điện khí hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba là cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Cách mạng công nghiệp thứ tư chỉ mới bắt đầu mấy năm gần đây, đầu thế kỷ XXI, bằng những bước đi chập chững, ở một số rất ít nước có nền công nghiệp tiên tiến, nơi đỉnh cao của khoa học công nghệ thế giới - lý giải của TS. Nguyễn Bách Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và Quản lý TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin  học.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan man về cách mạng công nghiệp thứ tư (*)