Theo dõi trên

Lặng thầm nâng bước tương lai

15/09/2020, 09:21

Bài 2: Như xương rồng trên cát

BT- Những việc làm ấy khiến tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh của những cây xương rồng trên cát, trong cảnh khô hạn nhưng biết xoay xở để vẫn sinh tồn. Như những thầy cô giáo này, dù không giàu có gì nhưng biết tiết giảm những nhu cầu của bản thân để giúp đỡ người khác. 

                
      
      Trường THPT Bùi Thị Xuân đến tận nhà từng học sinh khó khăn để tặng    quà tết và thăm hỏi hoàn cảnh.

Nhật ký… giúp học sinh

Cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được ngành giáo dục tỉnh phát động rộng rãi đến 100% trường THPT trong tỉnh từ năm học 2014 – 2015. Riêng tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, điểm đặc biệt khi triển khai thực hiện cuộc vận động là mỗi cán bộ, nhà giáo giúp đỡ học sinh khó khăn đều có sổ “nhật ký” để ghi chép lại những thông tin và quá trình giúp đỡ của học sinh đó. Đây là cuộc vận động mà chi bộ nhà trường xác định lực lượng đảng viên phải nòng cốt, gương mẫu thực hiện, để từ đó quần chúng là những giáo viên nhiệt tình ủng hộ, do trường có tổng 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 20 đảng viên.

Cô Nguyễn Thị Thu Loan – Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Bùi Thị Xuân là một trong những đảng viên tiên phong trong cuộc vận động trên, cho biết: “Sổ nhật ký này do thầy Hoàng Quốc Linh – Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ nhà trường thiết kế và được sử dụng khi cán bộ, giáo viên nhận giúp đỡ học sinh khó khăn. Cái hay của việc ghi nhật ký là quá trình giúp đỡ được cụ thể hóa, điều đó giúp cho cá nhân từng đảng viên, cán bộ, nhà giáo giúp đỡ học sinh khó khăn đạt hiệu quả, tránh hời hợt, qua loa. Đồng thời, qua đó cũng giúp cho Ban Chấp hành Công đoàn có cơ sở để giám sát, động viên, nhắc nhở kịp thời, để cuộc vận động đạt kết quả ngày càng tốt”.

Để chứng minh điều này, cô Loan đưa cho tôi xem cuốn sổ “nhật ký giúp đỡ học sinh khó khăn” của cô Hà đã giúp đỡ một học sinh lớp 11, khi em gặp vấn đề về tâm lý ảnh hưởng đến học tập do cuộc sống hôn nhân của ba mẹ tan vỡ. Đây được đánh giá là nhật ký đầy đủ, hiệu quả. Nhật ký của cô Hà ghi rất đầy đủ, cụ thể về thông tin cá nhân của học sinh cần được giúp đỡ này, không chỉ về gia cảnh, tình hình học tập, mà còn mối quan hệ bạn bè của em… Sau đó, cô Hà đã lên kế hoạch giúp đỡ cụ thể, trong đó mục tiêu cô đặt ra là giúp em nâng kết quả học tập lên trong học kỳ 1, cả năm đạt được kết quả vững chắc, không thi lại và giúp em ổn định tinh thần, có ý thức học tập hơn. Theo đó, các giải pháp cô đưa ra là liên hệ, nói chuyện, tư vấn và xác định lý tưởng sống, mục tiêu học tập cho em; định hướng phương pháp học tập và rèn luyện học tập đối với các môn còn yếu. Đồng thời, tạo điều kiện cho em hoạt động trong các hoạt động tập thể, khơi dậy niềm vui trong học tập và trong trường lớp để em gắn bó với học tập. Trong quá trình thực hiện giúp đỡ, cô Hà đã ghi lại cụ thể những việc mình đã giúp đỡ em qua từng tuần học. Kết quả, em đã không còn tư tưởng bỏ học, tâm lý ổn định, đã có sự tập trung vào việc học và kết quả học tập có khá lên.

Trường THPT Bùi Thị Xuân chủ yếu là con em của ngư dân, đời sống còn nhiều khó khăn và đầu vào của trường thấp. Do đó, số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, gia cảnh đặc biệt khá nhiều, bên cạnh đó lại thêm những trường hợp bị khó khăn đột xuất… Vì thế, các thầy cô ở ngôi trường này bên cạnh dạy học, còn phải tận dụng các mối quan hệ để kết nối các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân và lắm khi cũng trích lương của bản thân để giúp đỡ những học trò của mình. Như chuyện thầy Lương đã trích lương của mình để đóng học phí học kỳ 2 cho em Sơn; thầy Linh cũng trích lương để giúp em Nhân và nhiều học sinh khác.

Chia sẻ về cuộc vận động, thầy Linh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động, cấp ủy chi bộ nhà trường đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát ngay từ đầu những năm học, còn Ban Chấp hành Công đoàn xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa nội dung thực hiện kế hoạch. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng và chính quyền trong đơn vị đã giúp từng đảng viên, cán bộ, nhà giáo phát huy cao trách nhiệm gương mẫu, tận tâm, hết lòng “tất cả vì học sinh thân yêu”.

 Giảm tỷ lệ bỏ học

Theo đánh giá của ngành giáo dục tỉnh, Trường THPT Bùi Thị Xuân là “điểm sáng” trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Bên cạnh đó, còn có một số trường cấp 3 khác cũng đã làm rất tốt, nhờ vậy đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cố gắng đi hết cấp 3 để bước vào đời. Bằng chứng, nếu năm học 2015 - 2016, số học sinh cấp THPT bỏ học chiếm tỷ lệ 1,45% thì đến năm 2019 - 2020, giảm còn 0,43%. Kết quả này khiến những thầy cô giáo tham gia thực hiện cuộc vận động từ ngay những ngày đầu đã cảm nhận đúng mục tiêu đề ra.

Thời điểm ấy, cuộc vận động được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhưng mang tính đột phá của ngành, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên và mang tính bền vững. Đồng thời cũng nhìn nhận đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, học sinh dễ bị tổn thương nên các cơ sở giáo dục phải có những phương pháp, giải pháp triển khai nhẹ nhàng, sâu sắc phù hợp và hiệu quả. Cứ hàng năm vào đầu năm học mới các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ rà soát, lập danh sách học sinh đang theo học hoặc đã nghỉ học ở tất cả các cấp học, bậc học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau đó, phân loại đối tượng, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, về gia cảnh đặc biệt… Học sinh được giúp đỡ được điều tra, khảo sát qua nhiều kênh thông tin rồi từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ học sinh, trong đó vận dụng linh hoạt các phương pháp cho phù hợp với đối tượng là khâu quan trọng để đạt hiệu quả cao. Sự giúp đỡ ấy không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả vật chất, lắm nơi chính các thầy cô bên cạnh kết nối các mạnh thường quân, còn âm thầm trích đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ học trò. Những việc làm ấy khiến tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh của những cây xương rồng trên cát, trong cảnh khô hạn nhưng biết xoay xở để vẫn sinh tồn. Như những thầy cô giáo này, dù không giàu có gì nhưng biết tiết giảm những nhu cầu của bản thân để giúp đỡ người khác. 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay cuộc vận động đã trở thành việc làm thường xuyên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, có hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cán bộ, giáo viên nhận giúp đỡ, góp phần thực hiện tốt các nội dung cơ bản mà Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lặng thầm nâng bước tương lai