Theo dõi trên

Loanh quanh chữ nghĩa với học trò

27/09/2019, 15:17

BT- Một nhóm sinh viên – học sinh cũ trường THPT chuyên, ngồi trao đổi với nhau về câu khẩu hiệu rất lớn gắn ở trường: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, rồi bàn luận sôi nổi từ “hiền tài”, “nhân tài”. Một em xoay sang nhìn thấy và biết tôi, hỏi ý kiến. Tôi nói câu này có trong sách Ngữ văn 10, trích “Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhân Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba” (1442) của Thân Nhân Trung, đã học rồi cơ mà. Em nói đó bài đọc thêm, nên chỉ học thoáng qua.

                
Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan    Thiết). Ảnh: Đình Hòa

 Cuộc trao đổi hứng thú

Chúng tôi gợi ý, những từ Hán Việt ấy đã có nhiều người giải đáp, về tự tra cứu tìm hiểu thêm, phương tiện nghiên cứu bây giờ rất thuận lợi, 2 từ “nhân tài” và “hiền tài” có khác nhau về ngữ nghĩa. Lưu ý chữ “tài” () là nói đến khả năng đặc biệt nào đó, làm giỏi một việc được gọi là tài, nó thuộc về trí tuệ bẩm tính, thiên phú; Còn “hiền” () là chỉ về tài năng đức độ hơn người, chứ không hiểu theo cách nói quen thuộc như tính nết hiền lành trong nghĩa thuần Việt - chẳng hạng “hiền như Bụt”(*). Như thế có tài chưa hẳn đã tốt, nếu không có đức hạnh cao đẹp. Lưu ý chữ “tài” chỉ “nhân tài” nghĩa của nó cũng bổ sung với thời gian. Lâu nay thường được đánh giá ai làm giỏi một việc gì đó thì gọi đó là người có tài, nhưng nay được nhận định lại, “người giỏi” không thể xem đó là “người tài”. Khi nghe trao đổi như thế, một em lắc đầu, bảo khó hiểu, nên chúng tôi đề xuất, về tìm hiểu “Lý thuyết nhân tài 3C” của Dave Ulrich rồi mình trao đổi tiếp. Nhưng không cần về, các em ngồi tại chỗ truy cập mạng, rồi reo lên, đây rồi! Và rất háo hức tìm hiểu về Dave Ulrich, người đã đề ra lý thuyết về chân dung người tài trong thời đại mới một cách hoàn hảo, nên được đánh giá ông là người có trí tuệ số một về nhân sự thế giới. Một em nói, lý thuyết này đã có từ sớm mà giờ bọn em mới biết. Sau khi khảo sát, phỏng vấn hơn 40.000 nhân sự được xem là “người tài” của nhiều doanh nghiệp, công ty hàng đầu trên thế giới, Dave Ulrich xây dựng “Lý thuyết nhân tài 3C”: Nhân tài (Talent) bao gồm: Năng lực (Competence) – Cam kết (Commitment) – Cống hiến (Contribution). Như vậy “người tài” là người có khả năng làm việc (năng lực – cái đầu biết suy nghĩ, tính toán, sáng tạo), có ý chí làm việc (cam kết – sự chịu khó hoạt động, làm việc cụ thể của tay chân), biết cống hiến được ghi nhận (cống hiến – sự nhiệt tình, trách nhiệm, luôn hứng khởi làm việc hết mình của chính con tim) để tạo ra được những thành quả đem lại lợi ích thiết thực cho hôm nay và cho cả mai sau. Nên nếu hiểu “nhân tài” là người giỏi làm một công việc nhất định nào đó là cách hiểu của thời đã qua.

Khi học trò đã tự nhận ra

Từ chỗ các em tìm hiểu, so sánh, chúng tôi trao đổi với các em về mục tiêu của trường chuyên là nơi tuyển chọn những đối tượng học sinh có năng khiếu, thông minh để bồi dưỡng, đào tạo nhân tài, vậy các em nhận thấy như thế nào về chính bản thân mình là người trong cuộc khi đã được đào tạo từ ngôi trường ấy trong suốt thời gian dài cho đến khi tốt nghiệp. Một em nói, cái chính của bọn em là tập trung học thật tốt để thi đậu vào trường đại học. Nhiều khi cảm thấy tự hào khi được vào học ở trường chuyên – bởi đó là ngôi trường cho những học sinh giỏi, nhưng thực tế đâu phải bạn nào cũng học giỏi. Một em khác: Tìm hiểu tầm nhìn qua “lý thuyết nhân tài 3C” – khi bọn em đang là sinh viên, cảm thấy giật mình. Bởi lẽ người có tố chất thông minh đến đâu nhưng không biết phát huy sự thông minh để làm ra những thành quả không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội thì đời người sống như thế cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng đến thời điểm này, bọn em cảm thấy đang lo lắng, vài năm nữa tốt nghiệp, chuyện đi xin việc làm là cả vấn đề, chưa biết sao đây! Rồi cười: Talent của Dave Ulrich là báo hiệu thử thách cạnh tranh rất lớn đối với thế hệ bọn em khi vào đời.

Qua cuộc trao đổi khá thú vị với những học sinh xuất thân từ trường THPT chuyên, chúng tôi có dự định gặp gỡ một số thầy cô đang giảng dạy để tìm hiểu về hướng bồi dưỡng, đào tạo nhân tài như mục tiêu của loại hình trường chuyên biệt này đã đề ra, chuẩn bị tâm thế cho học sinh khi còn ở phổ thông, như thế nào.

    
      (*) Tham khảo: Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nhà xuất bản Trường Thi,   26 Võ Tánh, Sài Gòn, 1957; Thiều Chửu, Nguyễn Quốc Hùng, Từ điển Hán Nôm   – http://hannom. huecit.vn.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loanh quanh chữ nghĩa với học trò