Theo dõi trên

Lùm xùm xử lý… “hoa hồng”

23/01/2018, 09:47

BT- Khi Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận có quyết định đưa môn bơi thành môn học tự chọn bắt buộc bắt đầu triển khai trong năm học 2017 - 2018, đó cũng là khi trong phụ huynh học sinh nóng ran câu chuyện hoa hồng. Không thể phủ nhận sự đúng đắn của quy định trên, khi cho học sinh học bơi để tránh đuối nước, để rèn luyện thân thể cường tráng... Nhưng đồng thời đó lại nảy sinh sự nghi ngờ lại quả, chi hoa hồng cao, thấp giữa chủ hồ bơi với nhà trường, khi có trường lại chọn cho học sinh trường mình học bơi ở nơi có giá cao hơn. Hỏi lý do vì sao giữa một hồ bơi được Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đạt chuẩn có giá học 200.000 đồng/học sinh, tính cả tiền chi phí đi lại với một hồ bơi bình thường khác cùng trên địa bàn TP.Phan Thiết có giá học 225.000 đồng/học sinh, nhưng có trường lại chọn nơi cao hơn. Câu trả lời không có lý càng khiến nỗi nghi ngờ của phụ huynh tăng lên, quy về chuyện hoa hồng. Nếu mới đây, UBND tỉnh không có công văn tháo chặt của quy định trên...

Chưa hết, còn bao câu chuyện xử lý “hoa hồng” khác trong trường học đã đẩy sự bức xúc lên cao trào, có đơn thư phản ánh, khiếu nại. Cụ thể như phần trăm hoa hồng từ đóng bảo hiểm y tế. Theo quy định, ngoài trích 7% trên tổng mức đóng bảo hiểm y tế của đơn vị để nhà trường đầu tư thuốc men, gường… vào phòng y tế tại trường, nhà trường còn được trích 4% hoa hồng. Còn khoản đóng bảo hiểm tai nạn học sinh thì nhà trường được hưởng hoa hồng 12%. Việc xử lý các khoản hoa hồng này của các trường cũng năm bảy đường. Có trường may mắn có hiệu trưởng tốt, đúng chất nghề giáo đã quyết định bỏ khoản này vào quỹ công đoàn, quỹ phúc lợi để cán bộ, nhân viên trong cơ quan cùng sử dụng khi cần. Thường ở những nơi này nội bộ đoàn kết, nghiệp vụ phát triển. Có nơi, hiệu trưởng, kế toán chia 50% trên tổng, số còn lại chia đều cho giáo viên. Có nơi, mất dân chủ trầm trọng, hiệu trưởng và kế toán âm thầm hưởng hết bằng tiền hoặc bằng những chuyến đi du lịch và có thêm sự hỗ trợ 20%  chi phí chuyến đi chơi như của Bảo Việt. Ở đô thị, việc đóng các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn trong học sinh dễ dàng hơn, giáo viên không nhọc nhằn nên nếu không được hưởng khoản tiền ấy cũng ít ai phản ứng gì. Nhưng ở các vùng nông thôn, giáo viên rất nhọc nhằn trong công việc phải nhắc nhở học sinh đóng các khoản ấy, nên khi biết chuyện xử lý hoa hồng theo kiểu “cò làm cuốc lủm”, ai cũng bức xúc, dù khoản ấy không nhiều, không lớn. Đó là lý do chuyện hoa hồng cứ râm ran mãi. Có người bức xúc còn viết đơn phản ánh, khiếu nại.

Chuyện chiết khấu hoa hồng trong mua bán nói chung là điều bình thường. Nhưng với lĩnh vực trường học, nét đặc thù của nó là người mua, tức học sinh không được hưởng mà người môi giới là nhà trường lại được. Vì vậy, mỗi trường cần ý thức sự đặc thù ấy để cư xử cho phải lẽ, bởi phụ huynh không chỉ đóng một khoản tiền học bơi cho con, một khoản bảo hiểm y tế hay một khoản bảo hiểm tai nạn cho con mà là rất nhiều khoản và khi gộp chung là một số tiền không nhỏ.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lùm xùm xử lý… “hoa hồng”