Theo dõi trên

Lười vận động,  trẻ dễ béo phì

21/03/2019, 09:14 - Lượt đọc: 24

BT- Bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi học sinh và chỉ xuất hiện trong thời gian học tập. Các bệnh thường gặp như tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, thừa cân béo phì, răng miệng, tiêu hóa… Để phòng bệnh học đường, phụ huynh học sinh, giáo viên cần phải trang bị kiến thức phòng bệnh và hướng dẫn các em thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay kiến thức phòng tránh bệnh học đường còn thiếu, dẫn đến một số bệnh có chiều hướng gia tăng. 

                
      
   Trẻ thường xuyên vận động sẽ có lợi cho    sức khỏe và chống nhiều bệnh học đường (dạy bơi cho trẻ tại hồ bơi    Quốc Hùng). ảnh: Đ.Hòa

Gia tăng bệnh học đường

Theo Khoa Sức khỏe môi trường – Y tế học đường – Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Hàng năm, các trường đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ đầu năm học và khám chuyên khoa cho học sinh. Kết quả cho thấy, hiện nay những bệnh về răng – hàm – mặt, mắt, thừa cân béo phì là những bệnh học đường khá phổ biến. Theo số liệu báo cáo từ các Trung tâm y tế huyện, thị, thành, năm học 2017-2018, có 28.406 trường hợp bị mắc bệnh răng – hàm – mặt/104.854 tổng số khám, điển hình nhất là bị sâu răng và viêm lợi do ăn uống và vệ sinh không đúng cách. Đồng thời, cận thị, viễn thị và loạn thị cũng là những bệnh về mắt thường gặp ở học sinh, có 6.953 trường hợp mắc bệnh về mắt/215.784 tổng số khám.

         
      Trong năm học    2017 - 2018, toàn tỉnh có 99 trường mầm non có cán bộ y tế/211    trường; 116 trường tiểu học có cán bộ y tế/275 trường; 67 trường    THCS có cán bộ y tế/130 trường; 13 trường THPT có cán bộ y tế/28    trường. Ngoài ra, 285 trường học có hợp đồng với Trạm y tế xã khám    chữa bệnh để thực hiện công tác y tế trường học.

Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng bàn học không phù hợp kích thước, khoảng cách không phù hợp, thiếu ánh sáng, khi học tập ở nhà ngồi không đúng tư thế. Theo quy định đối với các phòng học có hệ thống chiếu sáng nhân tạo, các bóng đèn có chụp chống lóa; bóng đèn trên trần treo thấp hơn quạt trần. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đa phần các trường đều thiết kế bóng đèn cao hơn quạt trần sẽ dẫn đến ánh sáng bị tản, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về mắt cho học sinh.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường ngày càng tăng. Trong năm học 2017-2018, có 4.394 trường hợp phát hiện dấu hiệu thừa cân. Béo phì có thể do yếu tố di truyền, nhưng đa phần do chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động. Thừa cân, béo phì  không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn dễ dẫn đến  nguyên nhân gia tăng bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… trong đó hệ xương khớp là một trong những căn bệnh chịu tác hại nghiêm trọng của tình trạng này. Ngoài các bệnh về răng – hàm – mặt, mắt, thừa cân béo phì, các bệnh học đường khác như cong vẹo cột sống, tai – mũi – họng, bệnh đường ruột… ở lứa tuổi học sinh cũng đang tăng khá cao. 

Phòng chống bệnh học đường

Phòng chống bệnh học đường đang cần những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các cấp, ngành. Trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học và đội ngũ cán bộ y tế trong các trường bảo đảm theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả góc truyền thống sức khỏe do Ban chăm sóc sức khỏe của trường đảm nhận. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, các hoạt động tập thể tại trường, tạo chuyển biến về nhận thức để cá nhân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe học sinh như khám sức khỏe định kỳ về kiểm tra chiều cao, cân nặng; phát hiện sớm bệnh tật học đường ít nhất 1 lần/năm cho học sinh. Kiểm tra vệ sinh môi trường trường học, đo đạc các yếu tố vệ sinh trường học và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh, bệnh học đường…

NgỌc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lười vận động,  trẻ dễ béo phì