Theo dõi trên

Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

17/12/2019, 11:30

BTO- Bản thân tôi vốn là người nhút nhát, không phải nhút nhát khi đối diện với người lạ, mà là nhút nhát, sợ sệt khi thấy ai đó chảy máu và khi nhìn thấy máu. Màu đỏ của máu khiến cho tôi liên tưởng đến những điều không tốt đẹp, vì chính bản thân của tôi cũng đã từng chứng kiến về ba của tôi như thế.

Ba tôi là một người lính may mắn được sống sót và trở về từ chiến trường Campuchia. Cơ thể ông cũng không được lành lặn như bao người, một chân phải của ba tôi đã bỏ lại trên quê hương nước bạn. Và cũng từ đó, do những di chứng của chiến tranh để lại, ba tôi bị bệnh phổi, một căn bệnh đã khiến cho gia đình tôi phải lo lắng và buồn phiền.

Vào những ngày đông, ba tôi lại ho sặc sụa vì lạnh phổi. Và cứ thế di chứng lao phổi đã hoành hành ba tôi ròng rã suốt mấy năm trời. Những đợt ho ra máu cứ thế tìm đến. Tôi thật sự ám ảnh. Một lần, ba tôi thiếu máu trầm trọng do ho ra máu quá nhiều. Người thân và gia đình của rất lo lắng về điều đó. Tôi vội vàng chạy đến khoa huyết học của bệnh viện và xin được làm xét nghiệm để hiến máu cho ba tôi.Và tôi đã nhận lại sự hồi đáp từ phía bệnh viện. Rất đỗi ngạc nhiên, bệnh viện cho biết, ba tôi nằm trong diện được cấp máu miễn phí và người nhà không cần phải hiến máu cho ông ấy. Một niềm cảm xúc dâng trào trong tôi lúc bấy giờ. Sở dĩ ba tôi được truyền máu miễn phí là vì ba tôi là một thương binh 2/4. Thế là, chính nhờ những giọt máu ấy mà ba tôi đã qua cơn nguy kịch và được điều trị khỏe mạnh cho đến bây giờ. Tôi thầm cảm ơn những người tình nguyện viên đã dũng cảm, hy sinh cho đi những giọt máu hồng của mình để cứu sống những nạn nhân chiến đấu với bệnh tật của mình. Và không thể làm ngơ trước những nghĩa cử cao đẹp đó, tôi đã bắt đầu tìm hiểu về “hiến máu tình nguyện”. Tôi bắt đầu có những nhận thức rằng hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Quả thật đúng vậy, chính ba tôi là một nhân chứng cho đến tận bây giờ.

Tôi bắt đầu thực hiện quyết tâm của mình là cho đi những gì mình có thể làm được. Tôi bắt đầu tìm hiểu về hành trình cho và tái tạo máu để biết cách chăm sóc sức khỏe của mình sau khi hiến máu. Tôi tham gia hiến máu tại nơi tôi đang công tác hay đi tới những đâu và tình cờ có thấy chương trình tổ chức hiến máu tình nguyện tôi đều tham gia. Những ngày đầu mới hiến máu, do cơ địa của tôi chưa quen nên có chút mệt mỏi và ngủ nhiều, nhưng hiến lần 1, lần 2, lần 3 và lần thứ n… thì tôi đã dường như đã thích ứng được. Người thân của tôi ủng hộ tôi hết mình. Bạn bè lâu ngày gặp tôi có đứa bảo, “sao dạo này mày mập thế” tôi chỉ biết cười trừ, và cũng ít nhiều hiểu được lý do vì sao tôi thay đổi như thế.
Và cứ thế từ đó trở đi, cứ mỗi năm tôi hiến làm 2 đợt đến 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng. Đó là khoảng thời gian hợp lý để máu có thể tái tạo lại hồng cầu và đảm bảo chất lượng hơn khi đến với người nhận. Trong đội hiến máu của chúng tôi thường bảo “Hình như bị ghiền hiến máu rồi thì phải, không hiến thì không chịu được”. Tính đến nay tôi đã hiến được tổng cộng 18 lần và tôi lấy đó làm niềm tự hào vì tôi đã làm được một việc có ích cho đời, vì tôi đã thực hiện được những hoài bảo, những nhiệt huyết tuổi trẻ của mình.

Và một lần nữa tôi tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là những bạn trẻ, hãy thể hiện sức trẻ của mình, hãy cho đi những thứ mình có trong khả năng vốn có của mình, đừng ngần ngại hay sợ sệt gì cả, ngoài kia có biết bao người, biết bao hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đang cần sự chung tay giúp sức của chúng ta. Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu được. Hãy chung tay hiến máu tình nguyện nhé mọi người! Màu đỏ máu ban, màu xanh hy vọng!.

Nguyễn Duy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại