Theo dõi trên

 “Mùa gieo chữ” ở xã vùng cao

13/09/2017, 09:00

BT- Cùng với tất cả học sinh ở các vùng, miền, những ngày đầu tháng 9, trên khắp các nẻo đường của xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam rộn rã không khí vui tươi, phấn khởi của năm học mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò nơi đây đã và đang nỗ lực cho một “mùa gieo chữ” mới.

                
Một tiết học tại Trường tiểu học Mỹ Thạnh.

Mỹ Thạnh có khoảng 95% là đồng bào thiểu số người Rai. Những năm qua, xã đã tập trung phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội, song đời sống của nhiều người dân vẫn còn hết sức khó khăn. Bước vào năm học mới 2017 – 2018, Trường tiểu học Mỹ Thạnh có 92 học sinh/7 lớp. Trong đó, khối 1 có 2 lớp (có 1 lớp ghép học với lớp 2) với 19 học sinh; khối 2 có 1 lớp với 17 học sinh; khối 3 có 1 lớp với 19 học sinh; khối 4 có 2 lớp với 20 học sinh và khối 5 có 1 lớp với 17 học sinh. Nhìn những bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn, lớp học, hành lang sạch sẽ có thể thấy tấm lòng của giáo viên dành cho các em học sinh nơi đây. Và không phụ lòng thầy cô, ngày đầu tiên của năm học mới, các em đã có mặt đông đủ. Nếu so nhiều nơi khác là điều hết sức bình thường, còn nơi đây đó lại là niềm vui lớn của giáo viên vùng cao. Hiệu trưởng Lê Kim Phụng chia sẻ: Bước vào năm học mới, mạng lưới trường lớp tương đối ổn định, trang thiết bị, đồ dùng học tập cũng được tăng cường. Trường hiện có 11 phòng học, đủ để học sinh học 7 buổi/tuần. Trường có 1 giáo viên người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hàm Cần, còn lại 17 cán bộ, viên chức đều có nhà ở xa trường, xa nhất khoảng 40 km. Trong năm học này, trường tiếp tục chăm sóc và trồng thêm một số cây xanh, cây kiểng. Lớp học được trang trí đúng quy định tạo môi trường sạch đẹp, thân thiện. Ngoài ra, trường còn tăng cường tổ chức mô hình “Thư viện lớp” nhằm giúp học sinh có điều kiện mượn và đọc sách, tài liệu tham khảo thuận tiện hơn. Đối với những em nào chưa có điều kiện mua sách để học thì trường tạo điều kiện cho các em mượn sách, có sự cam kết của phụ huynh để bảo quản. Riêng với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh yếu, trường vận dụng theo nguyên tắc bình đẳng và tổ chức dạy phân hóa.

Tuy nhiên, trường hiện đang thiếu phòng học bộ môn như tiếng Anh, nhạc họa, tin học và khối hành chính, hiệu bộ, nhà để xe của giáo viên và học sinh. Vừa qua, ngành giáo dục huyện Hàm Thuận Nam đã có khảo sát nhu cầu phòng học, phòng làm việc của Ban giám hiệu trường và sẽ tham mưu UBND huyện kinh phí xây dựng. Mặc dù nơi vùng cao xa xôi còn thiếu thốn rất nhiều về vật chất, nhưng có một điều chúng tôi cảm nhận được đó là tình cảm của thầy và trò luôn tràn ngập trong lòng. Mong rằng, với khởi đầu tốt đẹp, các thầy trò nơi đây sẽ gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới 2017 - 2018.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Mùa gieo chữ” ở xã vùng cao