BT- Vừa rồi, có 2 học sinh trước đây thi rớt tốt nghiệp, đi nghĩa vụ quân sự đã mãn hạn, nay đến nhờ tôi giúp ôn nội dung một số tác phẩm trong chương trình để thi lại. Tôi nói bây giờ tài liệu rất nhiều, sưu tầm để học. Những gì chưa hiểu thì hỏi để trao đổi, chứ tôi không có chủ trương ngồi giảng bài.  

Địa danh nhân chứng

Nghe nói thế, không hiểu sao, 2 em đã chuẩn bị sẵn, đưa cho tôi đoạn đầu bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, nói đoạn này đọc thấy hay mà bảo phân tích lại thấy khó. Biết 2 cậu này cũng đáo để, tôi ngồi kể lại cho 2 cậu nghe chuyện hồi tôi còn đi dạy, có mấy anh bạn rất mê văn chương, mỗi lần gặp nhau là bàn luận sôi nổi, nhất là những tác phẩm có trong chương trình. Còn bài “Tây Tiến” từ khi đưa vào giảng dạy, ngoài sách giáo viên, có biết bao bài cảm nhận, phân tích của nhiều tác giả đăng trên các báo, tạp chí. Vấn đề chúng tôi trao đổi là những nội dung chưa thấy ai đề cập đến. Một bạn thắc mắc, sao mở đầu bài thơ tác giả gọi đích danh tên một dòng sông: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”, gần cuối  bài nhắc lại lần nữa: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nhóm anh em tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, chưa hiểu mấy về địa danh sông Mã, nên lúng túng. Thời ấy chưa có anh google hướng dẫn như sau này, nên phải nhờ một thầy dạy địa lý giảng. Hóa ra sông Mã xuất phát từ Điện Biên, chảy vào Sơn La, qua Bắc Lào, rồi vòng lại cửa khẩu Mường Lát, Thanh Hóa, đổ ra biển Đông. Đoàn quân Tây Tiến xuất phát từ Hà Nội lên Tây Bắc, những chặng đường hành quân, sinh hoạt gắn liền với những địa phận dọc theo dòng sông ấy. Khi Tây Tiến sát nhập vào Trung đoàn 52, phiên hiệu đơn vị Tây Tiến không còn, nên hồi ức khởi đầu cảm hứng, tác giả gọi tên nhân hóa dòng sông như chứng nhân lịch sử; chỉ dòng sông Mã mới thấy, mới hiểu hết những tháng ngày gian lao, cơ cực, sự hy sinh mất mát của những người lính Tây Tiến, của những xác thân bỏ lại dọc theo miền “biên cương” đất nước. Những hy sinh ấy chỉ có sông Mã chứng kiến, sông Mã hiểu biết, sông Mã cảm thương sâu nặng, nên khi người lính với “Áo bào thay chiếu anh về đất” thì “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, nghe như vang vọng lời Tổ quốc, non sông, lay chuyển, rung động giữa núi rừng hoang vắng, dữ dội và đớn đau, xót thương mà bi tráng, hào hùng.    

Khi đề cập đến hình ảnh “hoa” ở câu “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” là hoa gì, thì 2 cậu học trò nói đã đọc ở bài “Chẳng dễ với nàng thơ” trên Bình Thuận cuối tuần số 6436 rồi.   

Một cách cảm âm

Tôi kể tiếp, hồi ấy, có lần tôi đọc được một bài viết về “Tây Tiến” của một nhà thơ, cũng là nhà bình thơ rất tinh tế. Đến câu “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, ông nói rằng cái hay của thơ Quang Dũng ở chỗ sử dụng từ ngữ, âm điệu. Cái thanh trắc – dấu nặng chữ “hịch” trong “Mường Hịch”, đọc lên tưởng chừng như bước đi thình thịch của cọp, gợi âm thanh đe dọa dữ dội của rừng thiêng. Nếu nói “Đêm đêm Mường Lát cọp trêu người” thì âm “lát” sẽ bay lên, mất đi cái dữ dội đè xuống đe dọa ấy. Đại ý như vậy. Tôi đến gặp anh bạn vong niên – đại úy quân đội về hưu, anh là nghệ sĩ đa tài, viết ký, soạn nhạc, nhưng xuất sắc của anh là ký họa, vẽ chân dung, tôi nói với anh về ý thẩm bình thanh trắc “hịch” ở trên và khen hay. Nghe xong, anh trầm ngâm một lúc rồi cười nói, hình như ông ta chưa thấm “văn hóa núi rừng”, nên mới nói như vậy, chứ đúng ra không phải vậy đâu. Tôi ở rừng mười mấy năm, có những đêm đơn vị dừng chân, treo võng nằm nghỉ, thỉnh thoảng cọp đến vờn. Nhưng bước đi của cọp nhẹ lắm, không nghe tiếng động đâu. Chỉ khi nó biết bọn tôi phát hiện, khi ấy mới nghe “ào” một tiếng, là biết cọp đã băng qua bụi rậm biến mất. Nếu nó đi “thình thịch” giống như voi thì làm sao rình để bắt được mồi. Nghe thế, tôi mới ớ ra!  

Cảm theo một hướng

Lần khác, một thầy giáo nói, từ “mùa em” là mùa gì trong câu “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, cách dùng từ nghe đến lạ. Nhưng rồi lại nghĩ, suốt chặng đường hành quân trong núi sâu rừng thẳm, vắng vẻ, hoang vu, không thấy bóng người, khi ra khỏi rừng, đến một buôn làng để tạm dừng chân, bỗng gặp những mái nhà “cơm lên khói”, hình ảnh cuộc sống quen thuộc hiện ra, ở đó còn có thành quả thu hoạch mùa màng của em gái Mai Châu, nó hội tụ quyện vào trong mùi “thơm nếp xôi”, một hương vị đậm đà thân quen mang cả hồn vía ngày mùa (mùa của em làm nên) trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người lao động, gợi lên cảm giác êm đềm, ấm áp trong lòng người lính, làm sao không nhớ. Tôi nghe hợp lý.

Đến đây, tôi nói với 2 em, những gì còn lại người ta đã nói hết rồi, tôi chỉ giới thiệu địa chỉ tư liệu bài thơ để 2 em về nhà truy cập tự ôn.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa ôn thi