Theo dõi trên

Ngày ấy xa rồi

25/10/2019, 10:50

 BT- Mấy mươi năm mới gặp lại, em học trò tôi dạy năm lớp 12, bây giờ là phóng viên với nhiều năm từng trải, mái tóc xanh xưa bắt đầu lơ thơ sợi bạc. Ngồi chuyện trò đủ thứ trên đời, nhắc lại những ấn tượng hồi học phổ thông, em hỏi, thầy còn nhớ có lần thầy đi dự giờ giảng văn ở lớp em không. Tôi chưa hồi ức kịp thì em tiếp: Hồi bọn em học lớp 10, tiết học bài ca dao “Cày đồng” đó. Nhắc đến đây thì tôi nhớ, em học trò này đã tranh luận làm thầy giáo ngẩn ngơ. 

                
Ảnh minh họa

 Một thời mê nói

Đó là cái thời thầy cô hào hứng truyền thụ kiến thức một chiều. Hôm ấy, anh bạn đồng nghiệp nói, hồi học sư phạm, nghe giảng viên phân tích mấy chi tiết bài ca dao này hết sức tâm đắc, nay soạn giáo án kỹ, anh mời chúng tôi dự giờ của anh. Bài “Cày đồng đang buổi ban trưa,/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày./ Ai ơi, bưng bát cơm đầy,/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!”, đã nhiều người cảm nhận, bình giảng ở nhiều góc độ khác nhau, chung quy nói lên bao nỗi nhọc nhằn, khổ cực của người nông dân làm ra hạt gạo, chén cơm. Dĩ nhiên khi giảng, anh phân tích khá chi tiết về nội dung nghệ thuật, nhưng thấy anh dụng ý nhấn sâu vào hình ảnh “bát cơm đầy”. 

Anh hỏi, tại sao không nói “thúng lúa đầy” hay “bát gạo đầy”? Hỏi nhưng có để học trò trả lời đâu, mà tự anh trả lời, bình giảng vấn đề mình đã đặt ra: “Thúng lúa” hay “bát gạo” cũng đều là thành phẩm của người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi công sức làm ra, nhưng để có được miếng ăn thì “thúng lúa” còn phải qua công đoạn xay, giã, giần, sàng mới ra hạt gạo, khi có được hạt gạo còn phải củi lửa đun nấu mới thành cơm. Cơm là thành phẩm cuối cùng để con người trực tiếp hưởng thụ nuôi sống bản thân. Mà lẽ đời nó vậy, khi thực sự trực tiếp hưởng thụ, người ta chỉ biết thưởng thức trên đầu lưỡi chân răng của mình, thích thú tận hưởng hương vị “dẻo thơm”, có khen cơm ngon thì cũng chỉ khen người nấu, chứ mấy ai lúc ấy - tức lúc đang nhai cơm trong miệng, lại nghĩ gì về hình ảnh người dân cày trên cánh đồng nắng nung đổ lửa ban trưa. Đến đây thì thầy giáo nhấn mạnh: Các em có biết không, người bình dân họ tinh tế và thông minh lắm, đến mức, là chọn đúng thời điểm vừa đưa “bát cơm” lên miệng để hưởng thụ thì họ chận lại, nói: Này, nghe đây, làm ra được sự “dẻo thơm một hạt”, chỉ một hạt thôi, để có được miếng ăn thế này, phải trả cái giá “đắng cay muôn phần” đấy, ngươi có biết điều đó hay không? Thầy lại đặt vấn đề tiếp: Sao lại nói “bát cơm đầy”, mà không nói “lưng cơm”? Nhưng hỏi là hỏi như vậy, thầy tiếp tục bình giảng: Các em biết đấy, trong cái xã hội bất công ngày xưa ấy, ai là người được hưởng những “bát cơm đầy”? Chỉ có bọn thống trị, quan lại, cường hào ác bá giàu có, chứ người bình dân quanh năm chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, chính họ làm ra sản phẩm, nhưng mấy khi có được “bát cơm đầy” đâu.

 Chịu khó lắng nghe 

Thầy nói đến đây thì một học sinh giơ tay đứng dậy: Thưa thầy em có ý kiến. Thầy quay nhìn: Nói đi. Thưa thầy, nếu nói “bát cơm lưng” thì chữ “lưng” không vần với chữ “cày” câu trên. Thầy phẩy tay: Đó là chuyện khác, ở đây nói về nội dung, ngồi xuống. Học sinh ấm ức ngồi xuống. Một học sinh khác (tức là em nhà báo đang ngồi ngay trước mặt tôi bây giờ): Thưa thầy, vậy em xin có ý kiến về nội dung. Thầy gật đầu: Nói đi. Học sinh: Em thấy người nông dân thời nào cũng khổ, bây giờ cũng khổ, chứ đâu chỉ ngày xưa. Thầy có vẻ lúng túng, rồi nghiêm nghị: Khi phân tích, bình luận để làm bài, phải nêu “quan điểm” vững vàng đấy, không đùa đâu. Học sinh: Dạ em nói thật, không dám đùa đâu ạ! Nhà em làm nông, em biết mà. Bài giảng chưa xong, thầy trò chưa giải quyết rốt ráo vấn đề thì kẻng đánh hết giờ.

Em học trò nhìn tôi cười: Thầy ạ, sau này tìm hiểu thơ cổ phong em mới biết bài ca dao “Cày đồng” được dịch từ bài “Mẫn nông” (憫農) của Lý Thân đời Đường. Bài ca dao dịch theo thể lục bát, nội dung có phần hay hơn nguyên bản của nó. Thầy trò gặp nhau tâm tình, nhắc lại kỷ niệm một thời đã qua, chuyện một tiết dự giờ đã lâu rồi tôi quên mất, không ngờ em vẫn còn nhớ mang theo đến giờ. Ngẫm lại quá khứ một thời thấy cũng vui.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày ấy xa rồi