Theo dõi trên

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Nặng tình với học trò

18/11/2016, 09:09 - Lượt đọc: 27

BT- Khi còn đi dạy, họ luôn là những giáo viên giỏi, tận tâm với học trò. Về với đời thường khi tuổi đã cao nhưng các cô giáo ấy vẫn không nghỉ ngơi.  Vẫn miệt mài san sẻ những khó khăn, vất vả cho những mảnh đời không may mắn quanh mình.

Giúp gạo người nghèo

Trước khi về hưu, cô Trần Thị Hiếu (áo xanh) là Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hà, huyện Hàm Tân. Chỉ nhắc tới tên cô, nhiều giáo viên nơi đây đều nhận xét: “Cô là người nghiêm khắc trong công việc nhưng  sống rất tình cảm, luôn tôn trọng, yêu thương giáo viên và học sinh hết lòng”. Có không ít học trò học với cô cách đây vài chục năm vẫn luôn nhắc tới cô với lòng biết ơn, bởi chính những người học trò ấy được cô giúp đỡ tận tình về vật chất để có cơ hội tiếp tục đến trường. Ngay cả bây giờ khi  về hưu, cô vẫn miệt mài với công việc từ thiện. Vốn là Hội phó Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hàm Tân, cô cùng mọi người trong hội đi khảo sát những gia đình thuộc diện nghèo khổ, khó khăn và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ họ. Từ việc khám bệnh miễn phí, xin cấp xe lăn, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số gia đình… đến việc hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo. Riêng cô, mỗi tháng trích từ khoản tiền lương của mình 1,5 triệu đồng mua gạo phát cho hơn chục gia đình gặp cảnh ngặt nghèo trong xã. Có những gia đình nghèo được cô cấp gạo thường xuyên, nhờ đó vượt qua được những ngày tháng khốn khó, ngặt nghèo nhất.

Tận tình với học trò

Khác với cô Hiếu, cô Ngô Thị Mến ở xã Tân Nghĩa lại chọn cách làm từ thiện khác. Sau khi biết hoàn cảnh của em nhỏ tên Mộng, mẹ bỏ đi khi vừa 2 tuổi, cha mất vì tai nạn giao thông sau đó, đã phải nghỉ học vào năm lớp 10, cô cùng với vài giáo viên trong Chi hội giáo chức xã Tân Nghĩa, góp tiền mua gạo và đóng  học phí, tiền ăn hàng ngày để em có điều kiện tiếp tục đi học. Gần 3 năm liên tục như thế, giờ Mộng đã tốt nghiệp cấp 3. Thương các thầy cô nghèo nhưng vì mình mà lo lắng, em nói: “Em sẽ đi làm  để học tiếp đại học vì thời gian qua, các cô  vất vả lo toan nhiều cho em”. Cô Mến cho biết: “Sắp tới đây chúng tôi tiếp tục lo cho một học sinh lớp 9. Hoàn cảnh em này cũng vô cùng khốn khó. Em bị bệnh tim bẩm sinh, còn cô em gái còn nhỏ nhưng bị u nang buồng trứng phải mổ và thuốc thang thường xuyên. Gia đình em thuộc diện nghèo nên khó có cơ hội đi học tiếp”.

Cũng làm việc thiện, cô Nguyễn Thị Hiếu ở khu phố 4, phường Tân An, thị xã La Gi lại chọn cách kèm cặp những học sinh  không may, bất hạnh. Mặc dù cô luôn bận rộn với việc chăm sóc mẹ già nằm liệt nhưng cô vẫn dành 3 buổi tối một tuần để dạy miễn phí cho những học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật trong Mái ấm tình thương. Cô nói, những tháng hè khi các em không phải học trên trường, cô thường dạy ban ngày. Vào năm học, do các em bận học cả ngày nên cô dạy vào buổi tối. Với những học sinh có lực học yếu, cô kèm cặp, phụ đạo để các em có thể theo kịp các bạn.

Nói về điều này, cô cười: “Nghỉ hưu thời gian trống khá nhiều nên giúp ai được điều gì cũng thấy vui”.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Nặng tình với học trò