Theo dõi trên

Nghề trông giữ trẻ: Lấy niềm vui bù áp lực

22/11/2016, 11:12

BT - Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo hành ở trẻ em mầm non xảy ra trên khắp cả nước khiến các bậc phụ huynh và dư luận hết sức lo lắng khi gửi con cho các cơ sở trông giữ trẻ. Trên thực tế, đã có một bộ phận giáo viên mầm non không đủ kiên nhẫn và không đứng vững trước áp lực, từ đó dẫn đến những hành vi không đúng mực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những giáo viên yêu nghề mến trẻ. Họ hàng ngày lấy niềm vui để vượt qua áp lực công việc, áp lực dư luận để theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ” của mình.

35 tuổi nghề, cũng là chừng ấy năm trải qua bao buồn vui cùng các em học sinh mầm non mà cô Dương Thị Lựu – Trường mầm non Bông Trắng (TP. Phan Thiết) phải qua. Năm 18 tuổi, khi vừa tốt nghiệp ra trường, cô Lựu được nhận công tác tại một nhóm trẻ công lập ở phường Phú Trinh. 4 năm sau, cô chuyển sang Trường mầm non 2/9, và đến năm 1996 thì về làm việc tại Trường Bông Trắng đến giờ. Dù ở bất kỳ ngôi trường nào, nhóm trẻ nào mà mình đảm nhận thì cô Lựu cũng được Ban giám hiệu, phụ huynh và các em học sinh yêu mến. Cô chia sẻ, từ khi xác định đến với nghề “gõ đầu trẻ” thì bản thân đã xác định sẽ gắn bó lâu dài. Thế nên những áp lực, những dư luận không tốt xung quanh nghề của mình là điều mà bất cứ giáo viên nào khi vào nghề cũng đều phải xác định trước và có cách để vượt qua. Với cô, tìm niềm vui khi được ở bên cạnh các em nhỏ chính là cách tốt nhất để mình ngày càng yêu nghề. “Có một kỷ niệm nhỏ là năm tôi giữ nhóm trẻ ở lớp 25 – 36 tháng tuổi, đang chơi với các em thì tự nhiên có một bé trai chạy tới nằm gối trên người, rồi bé ôm lấy má tôi và nói: “Con rất là thương cô Lựu”. Nghe câu nói của một bé mới gần 3 tuổi khiến tôi cảm thấy rất bất ngờ và cảm động. Chuyện này thì tôi vẫn nhớ mãi và nó giúp tôi có thêm động lực để làm việc” - cô Dương Thị Lựu chia sẻ kỷ niệm trong quá trình công tác.

Theo cảm nhận của một số phụ huynh cũng như chính các giáo viên thì có lẽ không giáo viên cấp học nào nhiều vất vả hơn các giáo viên bậc mầm non. Mặc dù không cần những kiến thức sâu về chuyên môn nhưng bản thân các cô phải vừa làm trách nhiệm của một cô giáo nhưng cũng phải vừa là một người mẹ ở trường mới có thể hoàn thành tốt công việc. Bởi lẽ một nhóm trẻ mầm non với khoảng 30 em là 30 tính cách khác nhau. Việc học tập các con chữ, bài hát không quá vất vả nhưng những giờ chăm sóc các em ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh cá nhân mới thật sự vất vả. Theo tâm sự của các cô, có những lúc các em bị trầy xước do hiếu động khi chơi với các bạn nhưng cô giáo không quán xuyến hết được thì cuối ngày khi đón con, các bậc phụ huynh sẽ phàn nàn, không hài lòng. Những lúc này, để vượt qua áp lực thì người giáo viên phải thực sự bản lĩnh, kiên nhẫn.

Cô Lương Thị Thu Trang – một giáo viên mới công tác được 3 năm tại Trường mầm non Trúc Xanh (TP. Phan Thiết) chia sẻ thêm về những buồn vui của nghề: “Khi đã chọn ngành mầm non thì yếu tố đầu tiên là bản thân phải có lòng yêu thương trẻ và kiên nhẫn. Qua thời gian công tác tôi thấy khó khăn nhất đó chính là khi các cháu gặp sự cố, trầy xước trong khi chơi đùa. Và khi đó sẽ có những phụ huynh có thái độ gắt gao nên đôi khi mình cũng thấy áp lực”. Cũng theo tâm sự của các giáo viên mầm non, một ngày của các cô phải xoay như chong chóng. Từ lúc đón các cháu đến cho ăn, học tập, các hoạt động vui chơi ngoài trời và cả những giấc ngủ đều phải hết sức tỉ mỉ. Có lẽ chính vì vậy mà thời gian qua xuất hiện không ít thông tin về bạo hành trẻ em mầm non vì giáo viên không chịu được áp lực. Đó đều là những hành vi đáng lên án. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều giáo viên yêu nghề, mến trẻ.

Châu Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề trông giữ trẻ: Lấy niềm vui bù áp lực