Theo dõi trên

Nghĩ gì khi sinh viên bị buộc thôi học

02/02/2018, 08:44

BT- Trước thực trạng hàng nghìn sinh viên đại học (ĐH) Sài Gòn bị đuổi học, vào một sáng chủ nhật, chúng tôi có làm một seminar với một số giáo viên, đây là những thầy cô tâm huyết với nghề đang dạy lớp 12, đặt lại vấn đề vì sao có tình trạng ấy.

                
Ảnh minh họa

Con số cảnh báo

Khi tìm hiểu sinh viên bị đuổi học ở các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh với con số rất choáng ngợp: năm 2016: ĐH Nông lâm buộc thôi học một lúc 946 em, mỗi năm bình quân có khoảng 600 em; ĐH Sư phạm trong 4 khóa liền kề (từ K37 đến K40) là 617 sinh viên. Năm 2017, buộc thôi học ở các trường: ĐH Luật 112 em và cảnh cáo 66 trường hợp khác do học lực quá kém, hoặc bỏ thi các học phần; ĐH Bách khoa hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em; ĐH Giao thông vận tải với con số quá sốc: 180 em buộc thôi học, 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ; ĐH Công nghiệp thực phẩm bình quân mỗi năm khoảng 300 sinh viên, tập trung sinh viên năm nhất.

Nguyên nhân sinh viên bị đuổi học 

Qua số liệu, seminar nhiều ý kiến khá sôi nổi, chung quy tập trung vào một số vấn đề có thể nhìn thấy, trước tiên về cách ra đề thi trắc nghiệm khách quan và phương pháp dạy – học. Tỷ lệ học sinh học lực trung bình – khá đủ điểm tốt nghiệp THPT quốc gia để vào trường đại học công xác suất “may rủi” khi đánh câu trắc nghiệm làm bài dao động 20% là khá rõ; đến lúc vào trường đại học, phương pháp dạy khác biệt với trường phổ thông, yêu cầu kiến thức mở rộng, chuyên sâu, phải có phương pháp nghiên cứu, tự học, tư duy hiện đại, phản biện, khi đó sinh viên lại quen lối học thuộc để trả bài ở phổ thông, nên những học sinh sức học trung bình – khá sẽ bị đuối, không theo nổi chương trình và phương pháp học ở đại học là chuyện tất yếu, nên bỏ học.

Có ý kiến cho rằng một số học sinh có khả năng học được nhưng vẫn bỏ học. Một thầy chủ nhiệm, qua theo dõi học sinh của mình nhiều năm sau khi ra trường, nói rằng không ít học sinh không định hướng được nghề nghiệp, nên khi vào học chương trình đại học thấy không phù hợp, nên nản chí, có khi bỏ học để năm sau thi vào trường khác cho phù hợp với ngành nghề theo khả năng, có khi bỏ học hẳn đi tìm việc làm. Việc bỏ học đi tìm việc làm cũng khá phổ biến, nhất là nữ sinh, bỏ học để đi bán hàng – nhất là bán hàng trên mạng, nhiều em nhanh nhẹn, thu nhập khá cao. Nếu những em này xác định trước định hướng thi vào ngành PR (public relations – quan hệ công chúng) chắc rằng sẽ thuận lợi hơn và có khả năng không bỏ học. Chung quy lại với đối tượng này là do việc hướng nghiệp ở phổ thông, nguyên nhân một phần từ phía nhà trường, một phần từ bản thân học sinh khi học phổ thông thường lơ là không nghiên cứu, hoặc nông nổi, nghe theo bạn bè rủ rê, không xác định khả năng của mình là gì, sức học của mình đến đâu; một số đối tượng khác là từ sức ép của cha mẹ, bắt con em vào những ngành theo ý muốn của mình, chứ không quan tâm đến năng lực và sở thích của con cái.

Khi quý thầy chuyển sang chuyện hướng nghiệp, chúng tôi còn nhớ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận có xây dựng một đề tài khoa học cấp tỉnh về “Thực trạng, giải pháp nâng cao hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Bình Thuận” với tổng kinh phí 410.000.000 đồng, đã được nghiệm thu vào tháng 12/2013, nhưng đến nay chưa có đánh giá sơ kết, tổng kết hiệu quả áp dụng như thế nào của đề án, đang rơi vào im lặng!

Riêng trong chương trình giáo dục phổ thông, quy định dạy hướng nghiệp chính khóa cho lớp 9 THCS 9 tiết/năm và lớp 10, 11, 12 THPT 9 tiết/khối lớp/năm, bình quân 1 tiết/tháng. Thỉnh thoảng một số trường đại học, cao đẳng về tổ chức tuyên truyền tuyển sinh ở trường phổ thông, tập trung học sinh 12 trao đổi khoảng vài ba tiếng. Nhưng tất cả cũng cưỡi ngựa xem hoa, chưa đến nơi đến chốn, không thể giải đáp thắc mắc mong muốn của từng đối tượng. Việc hướng nghiệp phải thật sâu sát, phải tìm hiểu nhu cầu lao động các ngành nghề của từng địa phương, của toàn quốc, trong tương lai (ít ra từ 5 đến 10, 15 năm tới), cũng như biết được nội dung chương trình cụ thể của các khoa ở trường cao đẳng, đại học, phải hiểu năng lực thực sự và sở thích của từng học sinh trong lớp, khi đó mới giúp từng em định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, hoặc thi vào trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhà trường đã làm được tới đâu, học sinh đã chuẩn bị được những gì khi chọn ngành học? 

Không nên chỉ biết ngồi nhìn

Từ thực tế thấy rằng, trong thời gian qua, có chủ trương, chương trình dạy – học, nhưng tất cả đang còn dừng lại ở lý thuyết, thậm chí không ít đơn vị chỉ triển khai cho có, nên hiệu quả còn rất thấp. Nếu không chấn chỉnh, con số sinh viên bỏ học, bị đuổi học vẫn cứ thế tiếp diễn; số học sinh, sinh viên ra trường thất nghiệp sẽ còn kéo dài.

 Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ gì khi sinh viên bị buộc thôi học