Theo dõi trên

Nghĩ về phân luồng giáo dục phổ thông

31/03/2017, 08:58

BT- Phân luồng giáo dục và đào tạo ở bậc phổ thông hiện nay là việc làm hết sức cần thiết. Từ năm học 2007 – 2008, ngành giáo dục và đào tạo chủ trương thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: 70% vào học lớp 10 THPT, 30% vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Nhưng đến nay việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS như thế nào? Đó là một câu hỏi đối với địa phương.

                
Một tiết thực hành điện tại Trường Cao đẳng    Nghề Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

Vì sao phải phân luồng

Trong thực tế, dẫu cùng lứa tuổi, nhưng do cấu trúc não bộ khác nhau, nên sức học (tiếp thu, ghi nhớ, vận dụng, sáng tạo…) không đồng đều. Các nhà khoa học đã khảo sát chỉ số IQ (intelligence quotient – chỉ số thông minh) cho thấy có những trẻ chỉ số IQ chỉ có thể học được đến một cấp lớp nào đó mà thôi. Có những chỉ số IQ rất thấp, sức học đến lớp 1, lớp 2, hay lớp 5, lớp 9 … chứ không thể học cao lên được nữa (trừ những đối tượng lười biếng trong học tập). Có đối tượng chỉ học tốt được những môn xã hội – nhân văn; có đối tượng lại chuyên về các môn khoa học tự nhiên… Nhưng hiện nay chưa có một khảo sát IQ nào để định hướng việc học cho học sinh. Cũng chính từ sức học khác nhau đó nên cần phải phân luồng để phù hợp cho từng đối tượng học sinh.

Thực trạng phân luồng hiện nay

Việc phân luồng học sinh ở các nước trên thế giới hiện nay có những điểm khác nhau. Như Singapore, Hà Lan người ta phân luồng sau tiểu học; còn Việt Nam cũng giống nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Sĩ, Hà Lan, Canada, Ba Lan… phân luồng sau THCS. Ở Việt Nam phân luồng có thể chuyển sang học hệ giáo dục thường xuyên hoặc học trung cấp nghề… Nhưng nhiều địa phương nói chung và Bình Thuận nói riêng, việc phân luồng học sinh sau THCS chỉ mới khởi động bước đầu, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan với nhau. Đối với những học sinh có năng lực học tập non yếu, không theo nổi chương trình hệ phổ thông (13 môn), nên  hướng  các em vào học chương trình hệ giáo dục thường xuyên (7 môn) để có đủ sức tiếp thu kiến thức, nhưng khi thi và nhận bằng vào đời sử dụng thì giá trị tương đương. Hoặc vào trung cấp nghề để chọn học một nghề phù hợp với năng lực và sở thích. Như thế đỡ tốn kém kinh tế và không lãng phí quỹ thời gian trong cuộc đời của mỗi con người.

Tính đến thời điểm tháng 3/2017, ở Bình Thuận, tổng số học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên là 1.101 em (lớp 10: 446, lớp 11: 416 và lớp 12: 239) trên tổng số 33.714 học sinh THPT (chiếm 3,27%) là một tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ học hệ giáo dục thường xuyên thấp đó có nhiều nguyên nhân, từ cha mẹ học sinh đến chính quyền địa phương. Nhiều huyện đề xuất ngành giáo dục lấy học sinh vào lớp 10 điểm thi rất thấp. Có nơi nhiều năm lấy học sinh đạt 8 điểm thi tuyển (đã nhân hệ số) của 3 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh vào học lớp 10; bình quân chưa nhân hệ số là: 1, 6 điểm/môn.   

Giải pháp đồng bộ

Muốn có được hiệu quả tốt trong phân luồng thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với ngành lao động – thương binh – xã hội và ngành có liên quan, xây dựng kế hoạch, lập đề án khảo sát thực trạng năng lực học tập của học sinh, khảo sát nhu cầu lao động của các ngành nghề ở từng công ty, xí nghiệp, công trường, nông trường, nhà máy… trong quá trình phát triển theo kế hoạch 5 năm, 10 năm… Từ đó mới xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo, để học sinh sau khi tốt nghiệp là có việc làm theo năng lực. Chứ đào tạo xong mà học sinh ra trường thất nghiệp cũng bằng không, cách tuyển sinh như thế sẽ chẳng có bao nhiêu học sinh đăng ký theo học. Phải tiếp tục đầu xây dựng và mở rộng các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị xã, thành phố để thu hút học sinh phân luồng sau THCS. Đặc biệt là cấp THCS phải tổ chức tuyên truyền lợi ích học phân luồng và hướng nghiệp; trong thực tế gần như đang thả lỏng (không nói bỏ quên) nhiệm vụ giáo dục tuyên truyền phân luồng ở cấp học này. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về phân luồng giáo dục phổ thông