Theo dõi trên

Nguồn sáng dịu dàng

11/11/2016, 08:36

BT- Cũng lạ là sau bao biến đổi cây phượng sần sùi ấy vẫn tồn tại, thứ duy nhất còn lại trên sân trường cũ. Nó hoàn toàn không phải là món trang sức của khu chợ lắp kính chịu lực bóng lộng kia, nó bị bỏ quên, khép nép sống sát bờ rào và lẳng lặng trổ bông trong một không gian chẳng dính dáng gì tới đời sống học đường, nó cũng chẳng trông đợi gì tới một đôi mắt học trò nào đó nhìn mình xúc động hoặc xốn xang trong lòng. Vậy mà trưa nay có một người đứng nhìn những nụ lửa trên cành cao kia như đang bị thôi miên.

                
Ảnh minh họa

Thật tình thì trước đó, trong đầu tôi hoàn toàn không có ý định gì về việc thăm lại trường xưa. Tôi đi viết về  “đám cưới chợ”, tức là khánh thành một dạng chợ mới, khoán cho tư nhân xây dựng và quản lý, nó là một trong chuỗi những chuyển biến theo hướng xã hội hóa. Trùng hợp là cái nền chợ ấy lại xây ngay trên nền đất trường tiểu học của tôi ngày xưa, vậy là bao nhiêu ngăn hộc ký ức của thời thơ bé ấy bỗng chốc trào dậy. Tôi chợt nhớ đến một loại ánh sáng phát ra từ cô giáo của mình, loại ánh sáng tiếp cận và xuyên thấu vùng tình yêu của những đứa học trò nhỏ ngày ấy. Và tất nhiên hình ảnh cây thước bảng, giọt nước mắt, cơn nấc nghẹn đã ngủ im thật lâu, thật sâu đâu đó dưới bao nhiêu là tầng vỉa ký ức được đánh thức. Tuổi đã “tri thiên mệnh” rồi mà cái gì cũng nhớ mồn một, làm như điều gì đã đi qua tôi thì không thể mất đi vậy.

Tôi là người giữ cây thước bảng của cô giáo Nguyễn Thị Kim Hơn suốt năm học (đấy, cô giáo dạy từ hồi học lớp tư bé tẹo mà giờ vẫn cứ nhớ cả họ tên). Ngày ngày, ngoài việc ôm cặp tôi còn phải mang cây thước bảng ấy hai bận về nhà và đến trường. Cây thước không biết làm bằng gỗ gì nặng quá sức của thằng bé như tôi lúc ấy, vậy mà cứ lấy làm sung sướng, lấy làm oai với bạn bè lắm lắm. Mỗi khi bước vào lớp, tôi nghênh mặt tiến tới bàn cô giáo đặt cây thước ngay ngắn lên góc phải rồi mới về chỗ đặt cặp vào hộc bàn, hai tay khoanh trước mặt chờ cô giáo.

Cây thước bảng trên tay cô vừa dùng để gạch chân những con chữ, những khung ô đáp số của bài toán vừa là công cụ đe phạt với những học trò phạm lỗi hoặc khẽ gõ xuống mặt bàn khi cả lớp quá ồn ào. Lần đầu, khi lên bảng làm toán, cô đưa tôi cây thước bảng để gạch, không hiểu sao cây thước cứ chòng chành xẹo lên xẹo xuống không thể nào đặt ngay ngắn được. Thật kỳ diệu chỉ một lần được bàn tay cô đỡ nhẹ mà sau đó tôi cứ đặt đâu dính đó, đường phấn kẻ cứ gọi là thẳng băng. Và hôm ấy, tôi bước xuống khỏi bục, đầu ngẩng cao đón nhận thành công của mình. Hồi nhỏ, tôi được cái nết cẩn thận và ngoan ngoãn cũng nhờ vào nguồn ánh sáng dìu dắt dịu dàng của cô giáo mà mình rất mực kính trọng. Chẳng hiểu sao trong ký ức của tôi, cô Hơn luôn gắn kèm với thứ nguồn ánh sáng ấy, giờ đây, tôi cố thử giải thích bằng tất cả cảm thức của mình nhưng tất cả các lý lẽ đều hiện lên một cách mơ hồ, có thể nguồn sáng đó toát ra từ mái tóc vàng tự nhiên của cô, có thể là sự dịu dàng đã truyền được hơi ấm làm bừng sáng trái tim bé nhỏ run rẩy lạnh lẽo của thằng bé tôi lúc ấy. Cũng xin nói thêm, ngày xưa, bọn học trò chúng tôi kính trọng và sợ thầy cô giáo một phép chứ không “dạn dĩ” như học trò bây giờ, nên một bàn tay cô giáo chạm vào mình hoặc một lời khen, một câu nhắc đều là những cơn gió mát lành tạo được con sóng trườn trên thảm lúa non xanh.

Năm lên lớp ba, tôi lại mang cây thước bảng đến trường (cây thước mà tôi đã giữ như một báu vật suốt mùa hè). Tôi dáo dác tìm cô Hơn để trao lại, trong lòng cứ đinh ninh cô Hơn sẽ tiếp tục dạy lớp mình nhưng rồi mọi điều cứ diễn ra như một câu chuyện không thể an ủi được. Vừa đến trường, chúng tôi hoang mang tập trung ra giữa sân theo lệnh rất đột ngột, gấp gáp, quanh tam cấp cột cờ, các thầy cô đã đứng lặng từ lâu. Thầy hiệu trưởng yêu cầu toàn thể học trò bỏ mũ cúi đầu và khe khẽ báo tin buồn. Cô Nguyễn Thị Kim Hơn trên đường từ Nha Trang vào lại trường để dạy trong năm học mới đã bị nạn. Tôi chỉ còn nhớ mang máng hình như chuyến xe ấy đã trúng đạn pháo hay bị mìn gì đấy trên đường nhưng tôi lại nhớ rất rõ khi nghe cái tin rúng động kia tôi đã nhìn xuống cây thước thật lâu, vai tôi rung lên, rung lên, không gì có thể kềm giữ lại được và hai má tôi ràn rụa nước mắt trong cơn nấc nghẹn.

Phòng học mới, cô giáo mới nhưng sao đâu đây vẫn lan tỏa cái nguồn sáng dịu dàng phát ra từ cô Hơn của tôi. Và những giờ ra chơi tiếp sau đó, tôi không bắn bi, thảy nắp keng, chơi keo cùng các bạn, tôi lẳng lặng nép mình vào gốc phượng, một nụ lửa đỏ rực, sáng trưng trên cao cứ hút lấy mắt tôi.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn sáng dịu dàng