Theo dõi trên

Nhàtrườngvà cuộcsống: Dư âm tiếng trống khai trường

15/09/2017, 08:28 - Lượt đọc: 6

… Sao chọn ngày 5/9?

BT- Sau lễ khai giảng năm học 2017 – 2018, tôi gặp gỡ một số đồng nghiệp thân quen, vừa chúc mừng năm học mới, vừa tâm sự về ngày vui này, và hỏi học sinh có biết vì sao chúng ta chọn ngày 5/9 làm ngày truyền thống để tổ chức khai giảng không? Hầu như những thầy cô được hỏi đều cười nói rằng: Đột nhiên bây giờ anh hỏi thầy cô còn ngớ ra huống gì các em! Có người nói, hết nghỉ hè thì khải giảng năm học mới, cứ theo thông lệ chu kỳ từ xưa đến nay là vậy, trước năm 1945 đã thế rồi, nên Thanh Tịnh mới viết “Tôi đi học” để nhớ  lại “hằng năm cứ vào cuối thu…” ấy mà.

Đúng là đa số các quốc gia trên thế giới tổ chức khai giảng năm học mới vào mùa thu, mỗi nước có cách chọn ngày và hình thức tổ chức lễ khai giảng khác nhau, thường vào những ngày cuối tháng 8 như Ả Rập, hoặc đầu tháng 9 như Nga, Pháp (1/9), Mỹ (9/9)…; nhưng ở Nhật Bản thì khai giảng vào đầu tháng 4 hàng năm. Ở Việt Nam chọn ngày 5/9 để tổ chức khai giảng. Cứ nghĩ ai cũng biết vì sao chọn ngày ấy để làm ngày truyền thống khai trường trên toàn quốc, hóa ra lại ít người để ý đến.

Ngày 5/9/1945 – sau 3 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch đã gửi  thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nhà nước Việt Nam mới, trong đó có câu chắc ai đã đi qua cánh cổng nhà trường cũng nhớ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Khi ấy ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, đến nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn ngày 5/9 hằng năm làm ngày truyền thống để khai giảng năm học mới trên cả nước. Tìm hiểu về việc chọn ngày này thấy vô cùng ý nghĩa nên được mọi người đồng thuận. 

Lại chuyện kính thưa

Sau dự lễ khai giảng ở trường về, có mấy em học sinh thắc mắc rằng MC dẫn chương trình lễ lúc giới thiệu đại biểu cùng ngồi bên dưới khi thì nói: “Kính thưa đồng chí…”, rồi: “Xin giới thiệu có ông…”, rồi lại: “Hôm nay đến dự xin giới thiệu có anh…”... Thắc mắc ở chỗ những người ấy cùng lứa tuổi gần như nhau mà sao xưng hô với người này là “đồng chí”, người kia là “ông”, người nọ lại “anh”? Các em hỏi tôi như vậy, tôi biết trả lời như thế nào bây giờ! Đành khuyên các em đến hỏi trực tiếp người dẫn chương trình. Các em cũng không vừa, vặn vẹo hỏi nếu tôi trong những trường hợp như thế thì tôi xưng hô như thế nào? Tôi nói, các em cũng ghê gớm nhỉ, rồi bảo, tôi sẽ xưng gọi bằng “ông” hết, nếu có người thuộc phái nữ thì gọi là “bà”, xin giới thiệu có bà… 

Phát biểu không sang trang

Cũng từ học sinh, nói năm nay nhà trường khai giảng gọn nhẹ mà trang nghiêm. Có nơi đại biểu cấp trên về dự nhưng không phát biểu trước học sinh; có đại biểu không cầm giấy tờ gì cả, chỉ lên nói ngắn gọn trong vòng chưa đầy vài phút – chủ yếu là chúc mừng năm học mới (những đại biểu này chỉ phát biểu riêng sau lễ khi hội ý trong phòng họp với tất cả thầy cô trong hội đồng giáo dục). Có nơi tổ chức học sinh đứng xếp hàng danh dự đón đại biểu cấp trên đến dự; có người phát biểu lấy giấy ra đọc. Học sinh nói “cũng vui, phấn khởi” là đại biểu phát biểu không sang trang như những năm trước. Tôi ngớ ra hỏi “không sang trang” là sao? Các em cười đáo để: chỉ ngắn gọn trong một trang thôi, không chuyển sang trang thứ hai, thứ ba...

Qua dư âm tiếng trống khai trường năm nay, cả giáo viên và học sinh đều thừa nhận nhà trường tổ chức gọn nhẹ mà trang nghiêm. Lại nghe những lời “thỏ thẻ” bình luận của học sinh, tôi vô cùng thấm thía, hóa ra trước đây năm nào tôi cũng được phân công đi dự lễ khai giảng năm học mới, dự xong là về, không để ý gì về phía học sinh. Mà khai giảng là ngày cho học sinh, của học sinh, chứ không phải cho những người như tôi đến dự. Lại càng nhầm lẫn hơn nữa là chỉ gặp gỡ, bắt tay chào hỏi thầy cô, tỏ ra hời hợt không quan tâm sẻ chia về cái nhìn, cách nghĩ, cảm nhận, tâm tư tình cảm của học sinh.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhàtrườngvà cuộcsống: Dư âm tiếng trống khai trường