BT- Đang tiếp thầy giáo dạy Anh văn thì 2 học sinh lần trước lại đến, tôi hỏi lần này muốn gây sự gì nữa đây? Cả 2 tủm tỉm, rồi ngập ngừng, nói thầy ạ, chuyện vào đề sao nó làm cho mình cứ lúng ta lúng lúng. Tôi nghĩ, chắc nó chuẩn bị tỏ tình với cô gái nào đây mà chưa ngõ lời được, nên đến nhờ, làm như tôi là chuyên gia tâm lý. Tôi bảo độ tuổi chúng tôi giờ rất lạc hậu với chuyện tình cảm lứa đôi của tuổi trẻ, nên không giúp được gì đâu. Nghe thế, chúng cười đỏ mặt, chối đây đẩy. Tôi hỏi thế chuyện gì? Chúng nói chuyện nhập đề bài làm văn. Trời đất, hóa ra là vậy.

                
Ảnh minh họa.

Mở lời cần gây ấn tượng

Thầy giáo ngồi bên gật gù: The first step is always the hardest(1). Mọi việc trong thực tế bước đầu bao giờ cũng vậy, luôn gặp khó khăn. Tôi lấy 2 tờ giấy, ra một đề làm văn, bảo 2 em suy nghĩ để viết phần nhập đề, trong vòng 6 - 7 phút, xem mức độ diễn đạt đến đâu. Sau 7 phút, 1 em viết xong, nhưng diễn đạt còn lủng củng, 1 em mới viết được vài câu, chưa đâu vào đâu. Tôi đưa cho thầy dạy tiếng Anh xem, thầy cười. Tôi nói chuyện mở lời đầu tiên của bản thân cho một sự việc nào đó với tha nhân là khá hệ trọng, ngay cả lời khai mạc trong một buổi lễ, một sự kiện… cũng thế. Lời mở đầu mà duyên dáng, gây ấn tượng, sẽ hấp dẫn, lôi cuốn người nghe, người xem chú ý vào nội dung sự việc chuẩn bị diễn ra. Tôi kể, trước kia có đọc bài viết nói về liên hoan thơ quốc tế tổ chức ở Mác-cơ-va, đoàn Việt Nam tham gia, nhà thơ Chế Lan Viên làm trưởng đoàn. Kể rằng, khi tham luận ở hội thảo, phải theo dõi đoàn trước họ nói những gì, nếu có ý trùng với nội dung bài mình sắp phát biểu thì phải bỏ ngay, chỉnh sửa, bổ sung, không để lặp lại ý của người đã nói trước. Đến đoàn Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên lên, ông mở đầu: Chào các bạn, không biết ở nước các bạn thơ là giống đực hay giống cái(2), chứ ở Việt Nam chúng tôi, thơ gọi là nàng thơ. Ông giới thiệu chữ “nàng” trong tiếng Việt, rồi chuyển sang ca ngợi người phụ nữ, gọi nàng là thể hiện sự quý mến, trân trọng nét đẹp dịu dàng, nết na, kín đáo, tế nhị, sâu sắc của người phụ nữ Việt Nam. Chữ nàng chỉ nàng thơ hiểu từ góc độ đó. Dẫn nhập khá hấp dẫn, độc đáo như thế, để rồi ông đi vào giới thiệu thơ Việt Nam với bạn bè thế giới. Mở đầu bài làm văn cũng vậy, phải có cách nói gây chú ý riêng của mình.

Cần chặt chẽ các thao tác nghị luận

Với bài làm văn nghị luận, bố cục phải là một chỉnh thể 3 phần chặt chẽ: nhập đề, thân bài, kết luận, giống như chỉnh thể của một con người: đầu, mình, tứ chi. Bài làm không có phần nhập đề, sẽ rất kinh khủng, bởi nó giống như một hình nhân cụt đầu. Ví như, đề yêu cầu phân tích một đoạn thơ, học sinh mở đầu bài viết: “Qua đoạn thơ trên…” – “qua đoạn thơ trên” là cụm từ thường dùng để kết lại một vấn đề đã phân tích ở thân bài; ở đây đưa lên câu đầu tiên phần nhập đề, viết như thế xem như chưa có mở bài, giới thiệu đề. Riêng nhập đề cũng phải có bố cục 3 phần: giới thiệu (tác giả, tác phẩm – nếu nghị luận văn học) - trích dẫn nội dung đề - viết câu chuyển ý. Thấy 2 cậu hơi ngơ ngác, tôi ví dụ, như đề ra: “Nói về cảm hứng sáng tác “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân có phát biểu: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà họ nghĩ đến sự sống. Ý kiến của anh - chị”. Gợi ý cách nhập đề:

1) Nạn đói cuối năm Ất Dậu (1944) đã làm cho nhân dân ta từ Bắc Trung bộ trở ra hơn 2 triệu người chết. Đó là thảm họa có một không hai trong lịch sử Việt Nam do tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật gây nên. Kim Lân lấy bối cảnh ấy để viết truyện “Vợ nhặt”. 2) Nhưng ông không miêu tả cụ thể như một nhà phóng sự về nạn đói, mà mượn không gian và thời gian xảy ra nạn đói để viết về “Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà họ nghĩ đến sự sống”. 3) Qua các nhân vật trong tác phẩm: người vợ nhặt, Tràng, cụ Tứ, người đọc có thể cảm nhận được khao khát sống đó ở một thời kỳ lịch sử bi đát, thương tâm của đất nước (Hết nhập đề). Lưu ý: 1) Là phần giới thiệu hoàn cảnh cảm hứng để tác giả viết tác phẩm; 2) Trích dẫn nội dung yêu cầu của đề; 3) Câu chuyển ý để vào thân bài.

Có nhiều kiểu nhập đề (trực tiếp, gián tiếp, thuận đề, phản đề…) một cách sáng tạo, hấp dẫn, thì bên trên là một cách nhập đề đơn giản, dễ nhất để khỏi mất thời gian, giúp cho người viết tập trung vào phần chính là triển khai các ý ở thân bài. Bởi trong thực tế, thường không ít học sinh ngồi cắn bút loay hoay mất quá nhiều thời gian cho phần nhập đề, trong khi nội dung chính để lấy điểm của bài làm văn là phần thân bài.    

Võ Nguyên

(1): Vạn sự khởi đầu nan; (2): Như trong tiếng Pháp là le poème hay la poème.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhập đề