Theo dõi trên

Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề

04/01/2018, 08:35 - Lượt đọc: 12

BT- Giai đoạn 2012-2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 41.500 lao động nông thôn, đạt 101% kế hoạch, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp là 17.512 lao động, phi nông nghiệp 23.952 lao động. Bên cạnh đó, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho 90.447 đoàn viên, hội viên tham gia gần 2.900 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật... Thời gian qua, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được các cơ sở dạy nghề quan tâm thực hiện, thường xuyên cập nhật những kiến thức mới theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và gắn với yêu cầu của doanh nghiệp. Phương pháp giảng dạy từng bước được đổi mới, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Đồng thời đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề cho lao động như đào tạo tại trường, lớp; đào tạo lưu động tại thôn, xã, hợp tác xã, liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp...

                
Ảnh: Đ.H

Các cơ sở đào tạo còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo hỗ trợ sinh viên, học viên tăng thời gian thực tập, nâng cao kỹ năng thực hành. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sử dụng lao động, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Các trường tiếp tục tăng cường tuyển sinh các ngành mà trường có thể mạnh về đội ngũ giảng viên, điều kiện thực hành, có nguồn tuyển sinh ổn định và có cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; chú trọng việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tư vấn, quảng bá, trực tiếp giải đáp thắc mắc cho học sinh về thông tin tuyển sinh.

Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ lao động đào tạo ngắn hạn và sơ cấp vẫn còn khá cao (chiếm 44%), tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên còn thấp (5,4%), tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn nhiều (42%), thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật và quản lý giỏi. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động chưa thường xuyên, hình thức chưa đa dạng, phong phú. Nhận thức về học nghề của người dân chưa đầy đủ, nhu cầu học nghề của người lao động còn quá ít, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và đào tạo. Đội ngũ giáo viên cơ hữu của một số cơ sở đào tạo, dạy nghề còn thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế. Phương pháp giảng dạy còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật kịp thời kiến thức khoa học và công nghệ mới, hiệu quả giảng dạy chưa cao.

Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở vật chất của các trường chưa phát triển theo kịp yêu cầu đào tạo. Trang thiết bị giảng dạy một số nghề để học sinh thực tập kỹ năng nghề vẫn còn thiếu, gây khó khăn cho công tác giảng dạy và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Việc đào tạo chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động sau đào tạo. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng còn có mặt hạn chế, nhất là các lớp đào tạo nghề ngắn hạn do các trung tâm dạy nghề cấp huyện tổ chức. Học sinh, sinh viên ra trường tiếp cận với công việc thực tế còn khó khăn, một bộ phận làm việc trái ngành nghề đào tạo hoặc không được tuyển dụng vào làm việc phù hợp với trình độ đã được đào tạo.

Do vậy thời gian tới các trung tâm dạy nghề cần nắm chắc nhu cầu thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt cần rà soát lại đội ngũ lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển, nhất là chú ý đến lực lượng lao động trong các ngành, lĩnh vực phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương.

H.Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề