Theo dõi trên

Nhớ thầy Lê Trí Viễn

17/11/2017, 09:48 - Lượt đọc: 366

BT- Sau giải phóng miền Nam - 1975, thầy Lê Trí Viễn từ Hà Nội vào dạy bọn tôi ở Huế. Dáng thầy nhỏ nhắn, trí tuệ uyên thâm. Thầy bảo dạy văn phải biết đọc diễn cảm, mới chuyển tải được cái thần hồn của tác phẩm đến với người nghe, người học. Khi nghe thầy đọc “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu là tụi tôi nổi da gà, thấy được cái hùng khí bừng bừng trong cáo bình Ngô, cái thống thiết bi thương trong văn tế nghĩa sĩ, tưởng chừng như hồn vía siêu linh của ông cha ở đâu đó từ cõi xa xăm đang vọng về trong lớp học.

                
Học trò chúc mừng thầy Lê Trí Viễn (bên    trái).

Đến khi ra trường đi dạy, tôi thường viết thư thăm thầy. Hồi đó làm gì có điện thoại như bây giờ! Duy nhất là điện thoại bàn, nhưng của cơ quan, còn nhà riêng chẳng mấy ai có. Khi gọi điện phải quay số “rẹt rẹt” chứ không “bấm bấm” như sau này, nên mọi liên hệ ở khoảng cách xa chỉ có viết thư. Thư tôi viết gửi thầy lúc nào thầy cũng hồi âm, nhưng có điều, khi mở phong bì ra, thấy thầy kèm cả lá thư của tôi nữa. Ở lá thư của tôi hiện lên nhiều nét mực đỏ, chỗ thì khoanh lại bảo lỗi chính tả, chỗ thì gạch chân kéo ra lề ghi xem lại ngữ pháp, lúc thì bảo xem lại dấu câu… Tôi xấu hổ bởi đã là thầy giáo dạy văn cấp 3 mà viết lá thư như thế này... Thế là những lần sau viết tiếp, tôi cố gắng đến mức để thầy không còn chỉnh sửa chỗ nào mới thật yên tâm - một phần tôi tiến bộ cũng từ những lá thư viết gửi thăm thầy dạo ấy.

Khi bình câu ca dao “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, muốn để cho chắc trước khi gửi cho báo, tôi gửi nhờ thầy đọc giúp. Lần này không còn bị thầy sửa lỗi câu, lỗi chính tả, mà ghi nhận xét về cách cảm thụ, phân tích ca dao. Thầy bảo dựng lại không gian cô gái làng tát nước bằng gàu sòng trên cánh đồng quê như thế là hợp lý, nhưng cũng phải cẩn thận, vì hai câu này ở trong bài “Trăng quê” của Bàng Bá Lân: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/Diều ai gọi gió véo von/Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?”. Do hai câu thơ sau hay nên được lưu truyền trong dân gian thành ca dao, câu cuối có tính dị bản, trong thơ thì “Sao cô lại múc trăng vàng”, sang ca dao thì “múc ánh trăng vàng”, lưu ý điều đó trong cảm thụ, phân tích. Thầy còn viết thêm, có người dịch câu thơ này ra tiếng Anh là “Why are you pouring away the golden moonlight?”. Dịch sát đấy, nhưng chữ “pouring” chưa lột được nghĩa của từ tiếng Việt, mà nếu chuyển từ “múc trăng vàng” sang “múc ánh trăng vàng” lại càng khó hơn. Từ đó tôi mới vỡ ra, để tìm hiểu, cảm nhận một câu thơ, một câu ca dao đâu có dễ dàng, tùy tiện. Có chỗ thầy khoanh lại phê: “Ý này giỏi lắm!”, thế là phấn khởi trong lòng. Cuối cùng tôi cũng hoàn chỉnh được bài viết: “Còn ai múc ánh trăng vàng?” để đăng báo.

Năm 1984, tỉnh Thuận Hải đăng cai tổ chức hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Thông, thầy có ra Phan Thiết. Lúc ấy tôi ở trong khu tập thể của Trường Phan Bội Châu, biết tôi mới có đứa con đầu lòng, thế là thầy tìm đến nơi và còn mua quà tặng cháu. Lần ấy tôi viết về so sánh hai bài thơ phiên âm chữ Hán: “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế và “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh, rồi liên hệ đến hai câu đầu trong bài “Thú nhàn” của Cao Bá Quát: “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn/Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”. Đọc xong, thầy chắc lưỡi: Chà chà, dũng cảm lắm đây, dám đụng đến vấn đề ghê gớm thật. Viết về những bài thơ nổi tiếng này mà lại của các cụ này không đơn giản đâu. Nghiên cứu nó là cả vấn đề học thuật, phải nắm chắc phương pháp luận, khi phân tích, bình luận phải “ra môn ra khoai”, chắc như đinh đóng cột, chứ lạng quạng coi chừng họ đánh cho mà chết. Bài này phải viết thành một tiểu luận khoa học, chứ viết mấy trang thế này đã nói được gì đâu! Nghe đến đây tôi thấy chờn chợn cả người. Rồi thầy giảng giải cách cảm thơ, bình thơ.

Sau này những lần đi TP. Hồ Chí Minh, tôi thường đến thăm thầy, lúc nào cũng thấy trên bàn làm việc của thầy luôn để mấy cuốn tự điển tiếng Việt. Tôi tò mò hỏi thầy là người từng tham gia viết tự điển mà cũng dùng tự điển để tra khảo khi viết bài sao. Thầy bảo đâu phải chữ gì cũng biết hết được đâu, nhất là tiếng Việt, mà tự điển cũng đâu phải đã hoàn chỉnh. Nghe từ một giáo sư uyên bác thế, tôi vô cùng thấm thía và nó ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời tự học của mình.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi kể lại một vài ký ức thay nén nhang thơm tỏ lòng tưởng nhớ, chứ những kỷ niệm về người thầy kính mến nói sao cho hết.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ thầy Lê Trí Viễn